Mẹ&Con – Tùy từng trường hợp, độ tuổi, kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định có dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hay không.

Chào bác sĩ!

Chồng tôi 40 tuổi, tôi 31 tuổi. Chúng tôi lập gia đình đã 10 tháng, sinh hoạt đều đặn nhưng vẫn chưa có tin vui. Mới đây, do thấy tuổi cũng đã cao, chúng tôi quyết định đến phòng khám chuyên về hiếm muộn để xin làm thụ tinh trong ống nghiệm. Nhưng sau khi thực hiện một số xét nghiệm thì bác sĩ bảo tôi chưa nên làm thụ tinh trong ống nghiệm mà chỉ thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Bác sĩ bảo chừng nào cách này thất bại 3 – 4 lần gì đó thì mới chuyển sang cách kia. Vì sao không cho tôi làm luôn thụ tinh trong ống nghiệm mà lại phải qua giai đoạn này đến mấy lần? Tôi sợ càng trễ như vậy càng khó có con, thêm nữa lại tốn kém hơn (do phải làm cái này trước, thất bại mới chuyển sang cái kia). Tôi có thể xin làm thụ tinh trong ống nghiệm luôn mà không phải qua giai đoạn thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung không? Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Thị Châu (Quận 8)

 thụ tinh ống nghiệm

Điều trị hiếm muộn là một quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tùy thuộc từng trường hợp, từng độ tuổi, từng kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra phương án phù hợp nhất cho vợ chồng bạn. Sở dĩ bác sĩ chưa cho bạn thực hiện ngay thụ tinh trong ống nghiệm là vì chưa thật sự cần thiết. Bởi lẽ, thời gian bạn lập gia đình và có sinh hoạt thường xuyên cũng chỉ mới 10 tháng (dưới 1 năm), kết quả xét nghiệm của vợ chồng bạn, theo tôi đoán không có gì bất thường quá lớn.

Bạn đừng nôn nóng, cũng đừng nghĩ rằng làm thụ tinh trong ống nghiệm ngay sẽ tốt hơn. Thực tế, dù bác sĩ hạn chế tối đa những “phản ứng” nhưng bạn cứ hiểu nôm na là khi phải chích các loại thuốc để kích trứng, chọc hút trứng ra ngoài thì vẫn có thể có những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của phụ nữ. Do đó, nếu hạn chế được, nếu sử dụng những biện pháp đơn giản hơn được thì các bác sĩ sẽ nỗ lực thử các biện pháp này, nhằm đảm bảo tối đa cho sức khỏe của bạn. Nói một cách vui vui là nếu chỉ để “mổ gà” thì không nhất thiết phải dùng đến dao “mổ trâu” là vậy.

Phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung vốn rất an toàn và “tự nhiên”. Bạn hình dung, đó chỉ là sự hỗ trợ chọn lọc các tinh trùng khỏe nhất, tốt nhất từ người chồng, sau đó bơm thẳng vào tử cung người vợ. Chỉ làm được phương pháp này khi người vợ có ít nhất 1 vòi trứng thông tốt, có trứng rụng bình thường. Tức là, có thể vợ chồng bạn chỉ gặp vấn đề khá đơn giản, ví dụ như tinh trùng của ông xã bị bất thường nhẹ về số lượng và chất lượng, nên cần thiết có chút ít sự “giúp sức”, chọn lọc và bơm trực tiếp vào mà thôi.

Trong khi đó, thụ tinh trong ống nghiệm lại thường được áp dụng cho những trường hợp “nặng” hơn, ví dụ như bị tắc vòi trứng, vòi trứng thông yếu, tinh trùng và trứng không thể gặp nhau một cách tự nhiên được. Lúc đó, bác sĩ phải chọc hút trứng ra ngoài, cho tinh trùng và trứng gặp nhau và thụ tinh bên ngoài cơ thể, rồi mới bơm phôi trở lại vào buồng tử cung.

Bơm tinh trùng vào buồng tử cung được thực hiện rất nhanh, chỉ khoảng 5 phút và không gây đau. Hy vọng những giải đáp này sẽ giúp bạn yên tâm thực hiện tốt những hướng dẫn, yêu cầu của bác sĩ điều trị. Thông thường, nếu sau 3 chu kỳ thực hiện biện pháp này với số lượng nang noãn tốt, chất lượng tinh trùng tốt và kỹ thuật bơm tinh trùng đảm bảo mà vẫn không có thai, bác sĩ mới chuyển sang biện pháp “cao” hơn. Chúc bạn sớm có tin vui.

Tags:

Bài viết liên quan