Chào chuyên gia!
Tôi 27 tuổi, có một bé trai vừa tròn 2 tuổi. Từ thời chưa lập gia đình, tôi đã luôn nghĩ phụ nữ không nên quá phụ thuộc vào chồng mà cần có sự nghiệp của riêng mình. Tôi từng vừa đi làm vừa cố gắng học nâng cao. Nói chung là nỗ lực không ngừng. Đến giờ thì công việc của tôi khá ổn định. Mới đây, sếp tôi có nói chuyện, đề nghị tôi đi tập huấn ở nước ngoài 3 tháng. Ngoài ra, anh muốn cất nhắc tôi lên một vị trí tốt hơn và mong tôi nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng những thử thách mới này.
Song, chồng tôi lại không vui khi nghe tin. Anh bảo con trai tôi còn rất nhỏ và tôi nên tập trung cho gia đình, sắp tới còn nên chuẩn bị để sinh đứa thứ hai. Anh nói phụ nữ đi làm 8 tiếng là ổn lắm rồi, lương bổng như tôi hiện tại đã là tốt, không cần cao thêm, cũng không cần tập huấn, nỗ lực gì. Anh yêu cầu tôi nói chuyện lại với sếp, lấy lý do có con nhỏ để từ chối. Tôi rất phân vân. Tôi yêu gia đình, thương chồng con nhưng tôi không muốn bỏ lỡ cơ hội của mình trong công việc.
P.K.T.G (Quận 11)
Quả thật trường hợp của bạn là một trường hợp rất phổ biến và rất… khó. Khó bởi lẽ, nếu chỉ đặt mình ở ngoài thì ai cũng sẽ cho ngay lời khuyên: “Phụ nữ không nên tham vọng quá, hãy biết hy sinh vì chồng con” hoặc “Thiên chức của phụ nữ là làm mẹ. Mà độ tuổi làm mẹ chỉ có giai đoạn nhất định, nên ưu tiên cho gia đình, cho con cái!”, v.v..
Cho một lời khuyên như thế thì ai cũng khuyên được rất dễ dàng. Song, cái khó nằm ở chỗ chỉ chính người trong cuộc mới hiểu chọn lựa này có mang đến hạnh phúc cho mình hay không. Sẽ rất dễ dàng nếu bản thân bạn là người phụ nữ mê có nhiều con, đang mong “tập 2”. Nhưng sẽ rất khó khăn, nếu thôi thúc trong lòng bạn là cảm giác mê say công việc, thích được khẳng định mình, muốn vươn lên và biết mình còn có thể vươn lên, nhưng lại cảm thấy cuộc sống gia đình như đang “trì kéo” mình trở lại.
Đến đây thì mâu thuẫn trong lòng bạn ngày một lớn. Bạn phải làm theo “trách nhiệm” (sợ mọi người nói mình là “tham vọng”, “ích kỷ”), nhưng sâu thẳm trong lòng, bạn không thật sự hạnh phúc với chọn lựa đó. Với kinh nghiệm nhiều năm tháng làm chuyên viên tư vấn của mình, tôi có thể nói rằng: một khi không thật sự cảm thấy hạnh phúc với chọn lựa, dù đó là chọn lựa gì, con người ta sẽ chỉ “chịu đựng” và rất dễ nảy sinh thêm những “bùng nổ” khác.
Vì thế, lời khuyên của tôi rất đơn giản. Bạn hãy lắng nghe sâu thẳm trong trái tim mình. Kế đến, hãy nói chuyện trở lại với chồng, thật chân thành để anh có thể hiểu được những cảm xúc trong bạn. Tập huấn nước ngoài 3 tháng, nghe có vẻ khó với con nhỏ 2 tuổi, nhưng sẽ dễ nếu vợ chồng cùng đồng lòng, có thêm sự giúp đỡ của nội ngoại hai bên. Với công việc, bạn vẫn có thể bàn với sếp để phát triển ở mức có thể chấp nhận, tức tạo nên một sự cân bằng giữa công việc và gia đình. Chắc chắn bạn sẽ vất vả và cũng khó lòng làm tốt hoàn hảo cả hai nhiệm vụ cùng lúc. Song, nếu bạn cảm thấy hạnh phúc vì điều đó, thì đấy lại là một giai đoạn đáng nhớ với cả gia đình, khi cùng nhau chia sẻ những khó khăn và cùng vượt qua thử thách.
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Quỳnh Dao