Chào chuyên gia!
Chồng tôi là một người đàng hoàng, nghiêm túc trong chuyện tình cảm. Nhưng anh khá đẹp trai, lại hay vui vẻ, gần gũi, thân thiện với mọi người. Có lẽ vì điều này mà không ít phụ nữ cứ thích “à ơi” với anh, kiểu như cứ hẹn đi ăn trưa, gọi điện, nhắn tin rất “tình cảm” mỗi lúc anh buồn, mua này mua kia (những thứ linh tinh như ổ bánh mì, ly cà phê, v.v.) cho anh. Thật ra cũng chưa có chuyện gì nghiêm trọng hết. Đôi khi chồng tôi từ chối, nhưng đôi khi anh cũng “đón nhận” những điều đó và giải thích với tôi là anh hết sức trong sáng, bình thường, anh thấy những “chăm sóc” ấy cũng có gì đâu.
Nhưng biết nói thế nào nhỉ, linh cảm của phụ nữ khiến tôi nhận ra những chăm sóc hoặc những kiểu “à ơi” ấy hết sức có vấn đề chứ không phải “vô tư”. Y như cứ… nhá nhá đèn xanh và chỉ chờ chồng tôi “bật đèn” luôn là “có chuyện” vậy! Ghen thì đương nhiên chưa đến mức ghen. Nhưng thật sự tôi rất muốn tìm cách nào khéo léo để “răn đe” với những kiểu “à ơi” ấy. Chứ quả thật đàn ông mà, có mấy người biết tự kiềm chế trong khi mọi thứ cứ như lửa gần rơm. Kính mong chuyên gia tâm lý giúp tôi một lời khuyên!
T.T.H.T (Quận 2)
Có người nói đùa: “Ghen là một nghệ thuật và mỗi người phụ nữ ghen là một… nghệ sĩ”. Đùa, nhưng… thật! Vì đúng là ranh giới giữa chuyện ghen sao cho thêm chút gia vị ngọt ngào trong tình cảm vợ chồng với chuyện khiến cho chồng cảm thấy khó chịu và ngột ngạt chỉ là một sợi chỉ mỏng manh, bạn ạ.
Tôi tin vào linh cảm của bạn, vì phụ nữ (nhất là người vợ) rất nhạy bén trong việc cảm nhận thấy sự “chăm sóc” của ai đó dành cho chồng mình là vô tư, thoải mái như kiểu bạn bè thân mật hay là những “kín đáo à ơi”. Tuy nhiên, theo tôi, quan trọng nhất không phải là đối phó với những “kẻ à ơi” bên ngoài (đơn giản là bạn sẽ mệt mỏi lắm khi cứ phải căng người ra theo dõi, bực tức, dễ cư xử thiếu kiềm chế, mất ăn mất ngủ khó chịu, trong khi đối phó xong người này lại có thể xuất hiện người kia!), mà ở đây, bạn nên luôn có sự chăm chút cho gia đình, chú ý đến bản thân mình, tạo dựng không gian gần gũi, thoải mái với chồng, khiến anh hiểu rằng niềm tin bạn đặt trọn vào anh và anh cần trân trọng những gì đang có.
Một số dịp nhất định, vợ chồng nên cùng nhau xuất hiện ở chốn công cộng. Ví dụ như tiệc tùng, lễ lạt của bạn bè, những chuyến đi chơi của cơ quan, v.v.. Điều này sẽ khiến bạn củng cố được thêm vai trò, vị trí của mình. Đàn ông nhiều người rất thích “cảm giác lạ”, dễ cảm động trước những săn sóc của… người ngoài. Nhưng nếu bạn tạo dựng được một nền tảng gia đình gần gũi, bình yên và vững chắc, chính chồng sẽ cùng bạn xây dựng “pháo đài”, để biết cách từ chối khéo léo trước những sự “tấn công” kia.
Trong những trường hợp khi sự “à ơi” lộ liễu quá đà, bạn có thể trao đổi riêng với chồng bằng một thái độ hết sức tôn trọng anh, để có thể có những ứng xử phù hợp. Chúc bạn vui và bớt phải lo âu với những “kẻ à ơi” nhé!
Chuyên gia tư vấn tâm lý Trần Thị Quỳnh Dao