Chào bác sĩ!
Tôi 33 tuổi mới lập gia đình, mong có con thật nhanh vì biết càng để cao tuổi có con càng không tốt. Thế nhưng, trong lần khám sức khỏe tổng quát vừa rồi với dự tính mang thai, bác sĩ lại phát hiện tôi bị suy giáp hơi nặng. Bác sĩ khuyên tôi không nên có con liền mà cần phải điều trị cho trở về bình giáp, mất khoảng 6 tháng đến 1 năm. Tôi đang rất phân vân, vì nếu chờ thêm 1 năm nữa thì đã rất trễ rồi. Hy vọng có con càng giảm xuống. Mà ông xã tôi cũng đã lớn tuổi, lại chưa có con nên anh ấy cũng rất sốt ruột. Kính mong bác sĩ cho chúng tôi lời khuyên.
Lê Thanh Loan (Quận 9)
Bác sĩ trực tiếp khám đã đúng khi đưa ra lời khuyên điều trị bệnh trước, dứt điểm xong mới tính đến chuyện đón bé yêu, bạn ạ! Mong sớm có con là ước mơ của bất kỳ phụ nữ nào. Tuy nhiên, quan trọng hơn niềm mong ước ấy chính là làm sao để cho ra đời một đứa trẻ khỏe mạnh, chứ không phải cứ cố có thật nhanh bằng mọi giá, bất chấp những nguy cơ có thể xảy ra, vì nếu có gì với bé, thật sự là nỗi đau của bạn sẽ rất khôn lường. Chắc bạn hiểu ý tôi?
Quay lại cụ thể điều bạn hỏi, trong trường hợp khám tổng quát trước khi muốn mang thai và được xác định là bị suy giáp hay cường giáp, bạn nên tạm hoãn việc có thai lại, điều trị dứt điểm để trở về bình giáp. Thời gian điều trị để trở về bình giáp có thể mất khoảng 6 tháng đến 1 năm.
Bạn cần lường trước rằng, nếu bạn cố mang thai trong giai đoạn bị suy giáp hoặc cường giáp thì bé chính là người lãnh hậu quả trước tiên, kế đến là bạn. Nếu mẹ bị suy giáp thì con cũng bị suy giáp theo. Trong khi đó, hocmon tuyến giáp có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phân chia, phát triển của các tế bào, các tổ chức, cơ quan cũng như sự phát triển của não bộ. Vì vậy, trẻ chào đời bị suy giáp bẩm sinh (vì mẹ bị suy giáp) sẽ chậm lớn, chậm phát triển, đần độn, v.v..
Với chính bản thân bạn, nếu trì hoãn việc điều trị cho trở về bình giáp mà ưu tiên sinh con trước thì bạn có thể phải đối mặt với những biến chứng như thiếu máu, suy tim, khi sinh con có trường hợp bị tiền sản giật, bất thường ở bánh nhau gây ra máu nhiều, nguy hiểm cho tính mạng.
Ngoài trường hợp có bệnh về tuyến giáp, một số trường hợp khác phụ nữ cũng không nên có con, ví dụ như bị suy thận vừa và nặng, đang trong giai đoạn bị trầm cảm, có vấn đề về sức khỏe tâm thần, vừa ngưng thuốc tránh thai hoặc vừa mới sẩy thai, đã tiếp xúc với hóa chất độc hại trước đó, mắc các bệnh như tim mạch, ung thư, đái tháo đường, v.v..
Vẫn biết mong muốn làm mẹ là một mong muốn thiêng liêng, song có những trường hợp bất khả kháng, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên nhận một đứa con nuôi thay vì sinh nở. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là bác sĩ không thấu hiểu khát khao làm mẹ của bạn, mà chỉ là vì mong muốn mang đến cho bạn và cả em bé một kết quả tốt, một kết thúc có hậu hơn.
Bác sĩ Trần Ngọc Khoa