Mẹ&Con – Cảm giác mệt mỏi xuất hiện ở các bà bầu một phần do sự thay đổi hocmon, một phần do tâm lý quá căng thẳng của “bầu”.

Chào bác sĩ!

Mong bác sĩ tư vấn giúp cho trường hợp của tôi. Tôi năm nay 31 tuổi, lập gia đình hơi muộn nên đến giờ mới mang thai bé đầu lòng. Suốt 6 tháng đầu tiên của thai kỳ, sức khỏe của tôi vẫn tốt, tuy có nghén khoảng 2 tháng đầu tiên nhưng cũng chỉ nghén nhẹ. Tôi thấy mình vẫn đủ sức đi làm, lo liệu việc nhà (các việc nhẹ), đi bộ cũng thấy rất khỏe khoắn.

Không hiểu sao, đến giai đoạn từ tháng thứ 7 trở đi, tôi bỗng cảm nhận rõ rệt là sức khỏe của mình “xuống” hẳn.  Tôi rất mệt. Đi làm chỉ một buổi là tôi đã không chịu nổi. Tôi liên tục xin nghỉ phép. Ở nhà thì chỉ đi lên đi xuống cầu thang có một tầng lầu thôi mà lắm lúc cũng phải thở dốc. Tôi có đi kiểm tra ở bệnh viện lẫn phòng khám tư. Bác sĩ khám cho tôi bảo vẫn bình thường, mọi kết quả xét nghiệm, siêu âm đều tốt cả. Nhưng chính tôi thì tôi vẫn thấy mình không ổn bác sĩ ơi! Tôi xem báo dạo gần đây, nghe tin nhiều thai phụ gặp tai biến lúc chuyển dạ, sinh nở nên càng sợ lắm. Có ai mang thai những tháng cuối mà mệt nhiều như tôi không bác sĩ? Tôi nên làm gì? Kính mong bác sĩ cho một lời khuyên.

Nguyễn Ngọc Thu Giang (Quận 1)

Bác sĩ trả lời

 

Nếu bạn đi khám thai đều đặn, khi thấy mệt đã kiểm tra ở bệnh viện và phòng mạch tư, kết quả đều tốt thì đừng nên quá lo, bạn ạ! Hầu hết các bà bầu đều gặp cảm giác mệt mỏi (tùy mức độ khác nhau) ở 3 tháng đầu và 3 tháng cuối thai kỳ, đặc biệt là 3 tháng cuối – do cơ thể đang sản xuất ra nhiều loại hocmon mới chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Thêm một lý do mà tôi cho rằng đang tạo nên cảm giác mệt mỏi quá độ ở bạn chính là trạng thái tâm lý căng thẳng, lo lắng quá nhiều do lần đầu làm mẹ ở tuổi ngoài 30, lại đọc các thông tin không vui về các tai biến sản khoa gần đây trên các báo.

Khi lo quá, cứ sợ mình đang có gì “bất thường” thì cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi cao độ như bạn đang gặp phải. Lời khuyên của tôi dành cho bạn trong lúc này là hãy cố gắng trấn an mình, chia sẻ những cảm xúc với người thân như mẹ ruột, chồng, chị em, bạn bè than, v.v.. Bạn cũng có thể tìm đến các bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tham gia các lớp học tiền sản, nói rõ những băn khoăn của mình. Bạn sẽ được tư vấn, giải tỏa hết những lo âu.

Ngoài ra, xin tư vấn thêm cho bạn một số điểm căn bản giúp giảm bớt sự mệt mỏi những tháng cuối thai kỳ. Ví dụ như nên cố gắng ngủ đúng giờ (cả buổi trưa lẫn buổi tối). Bạn có thể xin nghỉ phép, giảm bớt áp lực công việc, dành cho mình vài ngày thư thái ở nhà, làm những gì mình thích. Ăn uống nên đủ chất, cân bằng. Những thực phẩm chứa nhiều chất sắt như thịt đỏ, hải sản, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên chất, mì sợi, các loại rau lá xanh đậm, các loại đậu, các loại quả hạch và các loại hạt rất tốt cho sức khỏe của bạn, giúp giảm thiểu những cơn mệt mỏi.

Bạn cũng nên uống đủ nước, thêm mỗi ngày cho mình một ly nước cam vắt nhỏ để tăng cường thêm vitamin C. Ở môi trường cơ quan và phòng ngủ ở nhà, cố gắng thu xếp để tạo ra cho mình một không gian thoáng đãng, trong lành, nhiều oxy. Nếu nhà có ban công, bạn có thể đặt một chiếc ghế ngoài ban công hít thở không khí ban mai hoặc buổi chiều mát.

Cố gắng hết sức làm những điều này và giải tỏa cho mình khỏi những cơn stress bạn nhé. Nếu công việc ở cơ quan quá nặng, hãy trao đổi với cấp trên xin giảm tải. Ở nhà, bạn cũng có thể nhờ người thân giúp sức. Nên tránh xem các tin tức không vui, thay vào đó là nghe nhạc nhẹ không lời, xem các phim hài, ngắm ảnh các thiên thần bé bỏng xinh xắn. Nếu tin tâm linh, bạn cũng có thể chọn một bức ảnh hay tượng nhỏ đặt ở trong phòng riêng. Điều này rất có ích cho các bà bầu vì sẽ giúp bạn trấn an bản thân mình, cảm thấy yên tâm hơn trước kỳ vượt cạn. Đừng lo quá, tất cả mọi thứ đều sẽ tốt! Chúc bạn mẹ tròn con vuông nhé!

Bác sĩ Nguyễn Thị Khánh Vân

Tags:

Bài viết liên quan