Con trai tôi 5 tuổi. Bé rất thiếu tự giác, cái gì cũng chờ mẹ nhắc mới làm. Từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, từ chuyện rửa tay đến chuyện đánh răng tôi đều phải nhắc cả. Khi nhắc thì cháu chịu làm, làm cũng khá tốt. Nhưng khi không có mẹ nhắc thì cháu lại không chịu tự giác. Ví dụ đơn giản là chơi xong cháu không bao giờ chịu tự dọn, luôn để bừa bộn. Tôi nhắc mới dọn, không nhắc thì để đó hết ngày này qua ngày khác cũng không dọn. Tôi không muốn như vậy và đang tìm cách để thay đổi con mình. Còn một năm nữa là cháu bắt đầu vào lớp 1, đi học chính thức rồi. Nếu vẫn cái gì cũng chờ nhắc mới làm như vậy thì tôi sợ cháu sẽ thua kém bạn.
Quỳnh Thy (Q. Phú Nhuận)
Với trẻ nhỏ, tính tự giác không tự nhiên mà có. Nó bắt đầu từ hành động tốt được lặp đi lặp lại, tạo thành thói quen. Nhưng vấn đề là giống như bạn nói, sao bạn nhắc thì con mới làm, không nhắc thì trẻ… quên luôn mà không chịu tự giác?
Chúng ta cùng nhìn lại cách bạn dạy con tự giác nhé!
Rất nhiều phụ huynh yêu cầu con: Con phải ngoan, con phải biết tự đi đánh răng mỗi buổi sáng, tự lấy quần áo ra mặc, buổi tối phải tự biết lấy vở ra chép bài, không thì mẹ sẽ phạt 3 roi.
Ðiều bạn yêu cầu con làm là đúng, nhưng chỉ đúng với chúng ta, đúng với cái suy nghĩ logic của người lớn chứ không phải với sự nhận thức và tư duy của một đứa trẻ! Trẻ cũng có thể làm nhưng thường chỉ làm khi chúng ta phải nhắc nhở nhiều lần hay dưới sự giám sát của người lớn. Nói cách khác, yêu cầu thì hoàn tất nhưng ý thức tự giác vẫn là con số 0.
Thế thì phải dạy bằng cách nào? Chúng ta hãy biến những hoạt động mang tính bổn phận thành những trò chơi – đối với trẻ em, trò chơi chính là các hoạt động rất nghiêm túc!
Ngoài ra, không phải chỉ biến việc dạy trẻ thành trò chơi là đã xong, để rồi trẻ muốn chơi sao thì chơi. Việc giúp trẻ hình thành ý thức tự giác đòi hỏi một số nguyên tắc. Ban đầu, ta để cho trẻ quyền chọn lựa, ví dụ: “Con muốn đánh răng trước rồi rửa tay hay rửa tay trước rồi đánh răng?”.
Sau đó, “tập huấn” cho trẻ theo từng bước, hướng dẫn cho trẻ làm những động tác cơ bản nhất và khi trẻ đã làm được thì hãy để cho trẻ tự làm. Một yếu tố cần thiết nữa, đó là tính nhất quán. Trẻ không thể hình thành sự tự giác, nếu các hoạt động thường xuyên thay đổi về thời gian và cách thức.
Khi trẻ đã quen dần, thay vì dọa phạt, hãy làm cho trẻ thật sự yêu thích công việc đó bằng những phần thưởng, những lời khen ngợi. Trẻ sẽ tự giác khi trẻ hiểu rằng điều này là điều trẻ nên làm, muốn làm chứ không phải vì sợ “đánh đòn”. Chẳng hạn trẻ sẽ tự đánh răng vì mỗi lần đánh răng xong trẻ sẽ được gắn một bông hoa bé ngoan, lại được cầm bàn chải đẹp, được chứng tỏ mình đã lớn rồi… Lúc đó, bạn không cần nhắc, con vẫn làm đấy!
Theo sự tư vấn của Chuyên gia Tư vấn Lê Khanh (Chuyên gia Tư vấn Tâm lý Trẻ em)