Tôi có một bé đầu bị béo phì, chữa rất vất vả nên đến bé thứ hai, tôi nỗ lực giữ cân nặng cho con ổn định một cách rất chặt chẽ. Trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày của bé, tôi đã chủ động “cắt” hết toàn bộ dầu mỡ. Tuy nhiên, tôi lại có cảm giác từ khi “cắt” dầu mỡ, bé phát triển cân nặng không ổn định, xuất hiện những bất thường về sức khỏe. Tôi trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng thì bác sĩ lại bảo chỉ nên điều chỉnh chứ không nên “cắt” chất béo như thế. Kính mong bác sĩ tư vấn giúp!
Phải nhấn mạnh ngay rằng ý định “cách ly” trẻ khỏi chất dầu mỡ là… không đúng và không nên! Chất béo bao gồm dầu, mỡ, thuộc nhóm chất dinh dưỡng chính và đóng vai trò thiết yếu với cơ thể, là nguồn năng lượng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Cơ thể trẻ luôn cần lượng dự trữ chất béo để phòng bệnh tật cũng như giúp tăng sức đề kháng. Cứ mỗi gram chất béo cung cấp gấp hai lần lượng calorie so với thành phần protein và carbohydrate. Vì vậy, trừ trường hợp bác sĩ chẩn đoán trẻ có nguy cơ béo phì và chính thức yêu cầu giảm lượng chất béo, còn lại, bạn không nên ra sức hạn chế và “cách ly” trẻ khỏi những giọt dầu ăn, mỡ động thực vật quan trọng này.
Chất béo thường có trong thịt, thịt gia cầm và các chế phẩm từ sữa. Có hai loại chất béo: Chất béo bão hòa chủ yếu từ nguồn động vật và chất béo không bão hòa chủ yếu từ nguồn thực vật. Chất béo bão hòa hiện hữu trong các thực phẩm như thịt, mỡ, trứng, phô mai, yaourt béo… Chất béo không bão hòa hiện hữu trong các thực phẩm như mè, dầu cá, đậu nành…
Trong những năm đầu đời, trẻ phát triển và tăng trưởng nhanh cả về thể chất lẫn tinh thần. Việc thiếu chất béo trong khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ sẽ ảnh hưởng đến chức năng nhiều cơ quan, nhất là cơ quan thần kinh. Đặc biệt, chất béo giúp cho sự phát triển sớm về thể lực và trí tuệ của trẻ, vì thế với trẻ em khẩu phần ăn cần đảm bảo đủ chất béo.
Cơ thể muốn hấp thu và sử dụng tốt các vitamin, như vitamin A, K, D và E cần có dầu mỡ. Thiếu chất béo dẫn đến trẻ thiếu vitamin K, thường có những cơn khóc thất thường, nôn trớ, bỏ bú, da xanh xao, nhợt nhạt và co giật li bì…
Bạn nên cho bé ăn chất béo nào? Có lẽ nhiều người cũng từng đọc trên báo chí rằng chất béo thực vật nhìn chung là tốt. Bạn có thể chủ động rót vào tô canh của trẻ một muỗng nhỏ dầu mè, dầu hướng dương, dầu ô-liu trong các bữa ăn như cách bổ sung chất béo cho trẻ. Tuy nhiên, cũng xin được nhắc thêm đến chất béo từ động vật. Nhiều người rất e ngại loại chất béo này vì mỡ động vật chứa nhiều cholesterol, vốn là thứ nghe rất “ám ảnh” mỗi khi nhắc tới. Nhưng kỳ thực, chuyện cấm tiệt hẳn chất béo nguồn gốc động vật không hề tốt như bạn tưởng, vì với trẻ em, cholesterol cũng đóng một số vai trò cần thiết cho sự phát triển của trẻ.
Cũng cần nói thêm, chất béo động vật không chỉ có nghĩa là… mỡ. Đó còn là trứng, sữa, thịt, cá… Vì vậy, thay vì ép con ăn một miếng mỡ sẽ làm trẻ rất ngán, bạn có thể nhờ đến sự cứu trợ của 1 ly sữa tươi nguyên kem, một ít cá với lớp da và mỡ mỏng, ít ngán bên trong chẳng hạn.
Chế biến chất béo đúng cách!
Khi chế biến chất béo, cần lưu ý rằng chỉ nên duy trì nhiệt độ không quá cao. Hạn chế chiên thật nóng dầu mỡ. Vì ở nhiệt độ không quá 100 độ C, chất béo không có biến đổi đáng kể ngoài hóa lỏng. Nhưng nếu đun lâu ở nhiệt độ cao thì các axit béo không no sẽ bị ôxy hóa làm mất tác dụng có ích với cơ thể, đồng thời biến đổi thành chất có hại.
Cũng tuyệt đối không được sử dụng lại dầu mỡ đã rán qua nhiệt độ cao. Ví dụ khi chiên chả giò, nhiều bà mẹ thường đổ cả nửa chảo dầu sôi để chiên cho ngon. Sau đó tiếc lượng dầu thừa lại để nguội và… trút vào bình, khi nào chiên cá thịt lại lấy ra dùng tiếp. Đây chính là biện pháp “tiếp tay” nhanh nhất cho các chứng bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư. Bạn cũng cần biết rằng với những sản phẩm bán ngoài chợ như đậu hũ chiên, giò cháo quẩy chiên, bánh tiêu chiên… nếu thấy chảo dầu của người bán không trong, màu đục, chuyển sang đen thì tuyệt đối không nên mua và ăn vì những món được chiên trong dầu mỡ hóa đen thế này cực kỳ độc hại.