Tôi 33 tuổi, có thai lần đầu được 6 tuần. Khi đi khám thai, bác sĩ cho làm một số xét nghiệm và cho biết tôi bị suy giáp, nói là có thể “truyền” sang thai nhi. Kính mong bác sĩ tư vấn giúp, liệu tình trạng của tôi có nên giữ thai không? Bé sinh ra có bị ảnh hưởng gì không?
Lê Trúc Quỳnh
(Quận 10)
Suy giáp ở phụ nữ mang thai (nhất là trong những tháng đầu) thường ảnh hưởng đến thai nhi. Nguyên do là tuyến giáp của thai nhi chỉ được hình thành và bắt đầu hoạt động ở tuần thứ 10-12 của thai kỳ. Nghĩa là trong 12 tuần đầu tiên, thai nhi phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hormone tuyến giáp từ mẹ.
Mẹ bị suy giáp thì con cũng có nguy cơ rất cao bị suy giáp. Trong khi đó, hormone tuyến giáp lại đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phân chia, hình thành các cơ quan cũng như sự phát triển bộ não của trẻ. Trẻ bị suy giáp từ trong bụng mẹ có thể có những bất thường về sự phát triển trí tuệ và thể chất.
Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp mẹ bị suy giáp giai đoạn đầu đều cần đình chỉ thai. Bạn nên trao đổi cụ thể với bác sĩ đang theo dõi cho bạn, để tùy tình hình cụ thể mà quyết định. Một số trường hợp, vẫn có thể giữ an toàn cho em bé, và điều trị sớm bằng cách bổ sung hormone tuyến giáp ngay sau khi sinh.
Về phía người mẹ, suy giáp ở phụ nữ mang thai có thể gây nên những biến chứng liên quan đến sản khoa như tiền sản giật, bất thường bánh nhau, chảy máu nhiều sau khi sinh… nên rất cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.