Gia đình chúng tôi vốn rất hạnh phúc. Tôi có hai cháu nhỏ đang học lớp 3 và lớp 5. Chồng tôi là một người có học thức, công việc ổn định, tinh tế và hầu như không rượu chè gì. Sau giờ làm, anh thường xuyên thu xếp về sớm nhất có thể, lo lắng cho gia đình, đỡ đần cả cho tôi công việc nhà. Có thể nói, suốt những năm qua, chúng tôi rất ít cãi vả với nhau. Và tôi vẫn đinh ninh mình là người hạnh phúc nhất.
Gần đây, đột nhiên anh ấy nói với tôi về chuyện cô bạn gái cũ. Hai người từng yêu nhau tha thiết đến 4 năm, nhưng vì một vài hoàn cảnh, cô ấy lấy chồng. Gần 6 năm sau anh mới nguôi được những đau buồn ấy, để bình ổn và mở rộng trái tim trở lại, sau đó lập gia đình với tôi.
Anh ấy nhắc với tôi về chuyện cô bạn gái cũ không phải “ngẫu nhiên”, mà vì cô ấy bị bệnh hiểm nghèo, sắp mất (nghe nói là nếu có cố gắng lắm thì cũng không sống nổi quá 4 tháng). Từ khi biết chuyện, anh giống như người khác, u buồn hơn và khép kín hơn hẳn. Mỗi ngày, ngoài giờ làm việc, anh tranh thủ chạy vào bệnh viện bất cứ khi nào có thể, và ở đó có khi đến 2-3 tiếng đồng hồ mới về nhà. Những bữa cơm tối của gia đình tôi trở nên thất thường. Ban đầu, tôi nghe anh nói cô ấy sắp mất thì cũng là phụ nữ với nhau, tôi cũng rất thương và nghĩ khó có thể ngăn cản anh chuyện thăm hỏi. Nhưng dần dần, tôi cảm thấy cuộc sống của mình thật sự bị xáo trộn. Tôi khó thể chấp nhận được chuyện chồng mình cứ suốt ngày nghĩ đến một phụ nữ khác như thế. Một vài lần, tôi bắt đầu cáu bẳn với anh ấy. Giữa chúng tôi có những cãi vả, căng thẳng nhỏ. Sau đó, anh có hạn chế vào bệnh viện hơn, mỗi ngày chỉ còn vào một lần khoảng nửa tiếng. Nhưng điều tôi lo lắng hơn là về nhà anh trở nên trầm lặng, thường chỉ thích ngồi một mình. Có lần, khi đột ngột vào phòng làm việc của anh ở nhà, tôi bắt gặp anh ngồi lặng trước một tấm ảnh cũ của anh và cô ấy.
Tôi cũng là người hiểu chuyện và không phải quá hẹp hòi, nhất là với một người phụ nữ kém may mắn, sắp mất như thế nữa. Nhưng chẳng lẽ như vậy thì tôi không có quyền “ghen”?
Chu Khánh T.Đ
(Quận 11)
Chị T.Đ thân mến!
Quả thật khó người phụ nữ nào (dù bao dung nhất) cảm thấy hoàn toàn “bình thường” được với chuyện chồng mình thường xuyên thăm hỏi, ở bên người phụ nữ khác. Tuy nhiên, chị phải thật khéo léo trong trường hợp này. Chồng chị là một người đàn ông sống tình cảm, tinh tế và vì thế cũng sẽ rất dễ bị tổn thương. Những xử sự của chị trong thời điểm này đều phải cân nhắc về cả hai mặt lý và tình. Vì nếu chỉ muốn phần “lý” về mình thôi, nhiều khi anh ấy sẽ làm theo, nhưng tình cảm sẽ cảm thấy ít sẻ chia với chị được như trước nữa.
Có một thuận lợi lớn cho chị: Anh ấy đã chủ động kể câu chuyện với chị từ đầu. Nghĩa là anh ấy rất tin cậy và thật sự rất “gần” vợ. Ngược lại, về phía mình, chị đã làm gì để anh ấy cảm nhận được là chị cũng thật sự “hiểu” và cũng muốn “chia sẻ” với anh ấy chưa? Ví dụ, thay vì để anh ấy hàng ngày đến bệnh viện thăm người phụ nữ kia, chị có thể đề nghị: “Em đi cùng anh nhé!” thử xem.
Khi không có chị, hai người có thể tâm sự chuyện ngày xưa, dễ nảy sinh trở lại tình cảm, dễ dẫn đến việc anh ấy cứ “bần thần” một mình suốt ngày. Nhưng khi có chị bên cạnh, cùng đến thăm, cùng thăm hỏi, quan tâm ân cần (nhưng tất cả được giới hạn như sự quan tâm của một người bạn với một người bạn), chị sẽ ngấm ngầm nhắc nhở để cả anh ấy lẫn người phụ nữ kia hiểu được giới hạn của mọi chuyện.
Chị cũng nên quan tâm nhiều hơn đến cuộc sống tình cảm của anh ấy. Nên nói con quấn quýt, hỏi han bố nhiều hơn. Những cử chỉ khéo léo, chăm sóc tinh tế, không quá mức “dễ dãi”, luôn ngấm ngầm nhắc để anh ấy hiểu giới hạn sẽ khiến anh ấy càng nể trọng và yêu quý bạn nhiều hơn. Phụ nữ không ai không ghen. Nhưng ghen cũng năm bảy đường ghen. Có những cách ghen khéo léo sẽ bảo vệ được cho hạnh phúc của gia đình, nhưng cũng có những cách ghen sẽ dễ dàng làm vỡ tan hạnh phúc gia đình. Mong chị tỉnh táo và có đủ “lý – tình” cần thiết trong xử sự.