Trước khi tìm hiểu chỉ số EQ bao nhiêu là cao, bạn cần nhớ rằng đây là một chỉ số có thể cải thiện được. EQ của trẻ phụ thuộc rất nhiều vào môi trường sống, cách bố mẹ hành xử, nuôi dạy con.
Chỉ số EQ là gì?
Chỉ số EQ (Emotional Quotient) là trí thông minh cảm xúc. Chỉ số EQ mô tả khả năng tự nhận thức, nhận diện và mô tả cảm xúc, thiết lập động lực và tự điều chỉnh hành vi cũng như khả năng thấu cảm với người khác, xây dựng mối quan hệ xã hội tốt đẹp.
Nghe qua thôi là bạn có thể thấy tầm quan trọng của chỉ số này trong cuộc đời mỗi người. Người có EQ cao sẽ dễ dàng thiết lập được có sự tự tin, có lòng tự trọng cao và hơn hết là biết cách quản lý cảm xúc. Hơn hết, đây là những cá nhân được mọi người yêu quý vì khả năng lắng nghe, đồng cảm cao.
Chỉ số EQ bao nhiêu là cao?
Hiện tại chưa có một bài trắc nghiệm nào có thể tính được chính xác chỉ số EQ. Đặc biệt là với trẻ nhỏ thì việc cho các bé kiểm tra EQ càng khó hơn. Bố mẹ có thể dùng các bài test miễn phí và cho bé chơi thử. Nhưng chủ yếu để đánh giá chỉ số EQ trẻ em thì vẫn nên dựa vào quan sát, theo dõi cách cư xử, các thói quen của bé.
Hiện nay các kết quả test EQ thường xếp loại chỉ số EQ bao nhiêu là cao như sau:
- Dưới 84: Chỉ số EQ thấp, chiếm khoảng 16% dân số.
- 85 đến 115: EQ nằm ở mức trung bình. Đây là chỉ số EQ phổ biến nhất, chiếm khoảng 68% dân số thế giới.
- 116 – 130: Là người có EQ cao, chiếm khoảng 14% dân số.
- Từ 131 trở lên: EQ cực cao, có thể nói đây là chỉ số tối ưu mà chỉ khoảng 2% dân số đạt được.
Dấu hiệu nhận biết trẻ có EQ cao
Dựa trên những thành phần của chỉ số EQ, đây là một số dấu hiệu nhận biết trẻ có EQ cao bố mẹ có thể tham khảo:
Biết cách mô tả cảm xúc
Dấu hiệu đầu tiên của một đứa trẻ có EQ cao thường là con biết cách biểu đạt cảm xúc của mình bằng từ ngữ. Bé biết nói “con buồn vì không thể đi chơi”, “con sợ khi trời mưa sấm chớp”, “hôm nay đi ăn rất vui”…
Dấu hiệu nhận biết trẻ có EQ cao là giữ được bình tĩnh
Nhờ hiểu biết được cảm xúc bản thân đang trải qua, các bé có EQ cao sẽ giữ bình tĩnh tốt hơn trong các tình huống. Ví dụ khi tức giận trẻ biết cách ngừng tranh cãi, hít thở sâu thay vì các trẻ đánh nhau. Những bé có EQ cao ít khi hành xử bốc đồng, bất chấp lý lẽ. Bé học được cách tạm dừng để cho cảm xúc trôi qua mà không để bản thân bị cuốn theo nó.
Nhận ra và đồng cảm với cảm xúc người khác
Trẻ em vốn nhạy cảm, các bé có EQ cao lại càng nhạy bén với cảm xúc của người khác. Trẻ có thể nhìn vào hành vi của người xung quanh và đoán được cảm xúc họ đang trải qua. Chẳng hạn như một người đang cười vung vẩy tay thì hẳn đang rất hạnh phúc còn nếu bạn ấy nằm gục xuống bàn thì có thể bạn đang mệt.
Hay giúp đỡ mọi người
Con trẻ thể hiện lòng biết ơn và vui vẻ khi giúp đỡ mọi người. Trẻ đồng cảm với người khác nên sẽ có xu hướng quan tâm, hỗ trợ người xung quanh. Điều này bao gồm cả tự giác giúp làm việc nhà, quyên góp từ thiện…
Trẻ biết điều chỉnh hành vi cho phù hợp
Con có mục tiêu cụ thể và động lực để thực hiện nó. Đó có thể là một việc rất đơn giản như tự thu dọn đồ chơi. Nếu có một mục tiêu “dài hơi” như học vẽ thì trẻ có thể điều chỉnh và tuân thủ một kế hoạch học tập hợp lý mà không cần bị thúc ép.
Biết từ chối khi cần thiết
Nhạy cảm và quan tâm người xung quanh không có nghĩa là bất chấp làm hài lòng mọi người. Trẻ nhận diện và hiểu được cảm xúc của bản thân nên sẽ học được cách nói “không” nếu chưa sẵn sàng mà không cảm thấy có lỗi.
Làm sao cải thiện chỉ số EQ cho trẻ?
Biết được chỉ số EQ bao nhiêu là cao cũng như dấu hiệu EQ cao thì nhiều bố mẹ sẽ muốn tăng cường EQ cho con. Trẻ học hỏi thông qua quan sát, bắt chước những người xung quanh mà cụ thể là cha mẹ chúng. Nếu trẻ phát triển trong môi trường thuận lợi thìhê cảm xúc sẽ tự động được hình thành. Nếu bạn cảm thấy EQ của con chưa phát triển toàn diện, đây là những cách cải thiện chỉ số EQ cho trẻ, bạn thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao:
- Khuyến khích trẻ nói ra cảm xúc, dạy con nhận diện và mô tả cảm giác cho bố mẹ.
- Hãy giải thích nếu trẻ có hành vi không phù hợp thay vì chỉ la mắng và cấm cản con. Bố mẹ lưu ý cũng không nên mắng mỏ, trách phạt con ở nơi đông người. Hãy dạy trẻ bài học về sự tôn trọng ngay từ trong gia đình.
- Tránh nói dối con: Trẻ nhìn và bắt chước theo những gì người lớn làm chứ không làm theo lời bố mẹ chỉ dẫn. Thế nên nếu bạn nói dối, nói không đi đôi với làm thì chỉ thành gương xấu cho con mà thôi.
- Dạy trẻ nói “không” và dạy trẻ sự tôn trọng, đồng thời ba mẹ nên tôn trọng quyết định của con nếu có lý do hợp lý.
Mẹ tránh la mắng mà thay vào đó nên từ tốn khuyên giải cho con hiểu
Chỉ số EQ bao nhiêu là cao thì rất khó để tính toán chính xác. Thế nhưng EQ cao chưa bao giờ là thừa nên bố mẹ cứ yên tâm tạo điều kiện phát triển trí tuệ cảm xúc tốt nhất cho bé nhé.