Trên thị trường có hàng trăm loại bột làm bánh khác nhau từ mẫu mã, công thức đến cách sử dụng. Chính vì vậy để làm bánh thành công và cho ra thành phẩm như hướng dẫn các bạn nên chọn đúng loại bột. Cùng Mẹ và Con cập nhật kiến thức về các loại bột làm bánh cơ bản thường gặp nhé!
All Purpose Flour (bột mì đa dụng)
Đây là một trong những loại bột mì quen thuộc với nhiều người, đặc biệt là các bạn mới làm quen với việc làm bánh vì các công thức thường sử dụng loại bột này. Với các món bánh Âu thường sẽ dùng All Purpose Flour. Bột này được nghiền từ bột lúa mì cứng và bột lúa mì mềm. Nó có thành phần protein khoảng 10 – 12%. Bên cạnh tên gọi là bột mì đa dụng thì loại bột này còn được nhiều người gọi là bột mì số 11.
Bột mì đa dụng được chia thành 2 loại:
- Loại được tẩy trắng (bleached)
- Loại không tẩy trắng (unbleached)
Bột mì đa dụng được tẩy trắng thường được sử dụng hơn cả vì giá thành rẻ hơn loại bột không tẩy. Loại bột tẩy thường đã trải qua phương pháp xử lý tự nhiên hoặc hóa học. Bột mì đa dụng thường được dùng để làm những loại bánh như: bánh bông lan, bánh quy (cookies), bánh mì…
Cake Flour
Cake Flour (hay còn được gọi là bột mì số 8 hoặc low protein flour hay low gluten flour). Đây là loại bột mì được làm từ hạt lúa mềm xay mịn, kết cấu bột nhẹ có màu trắng và chứa hàm lượng protein cực thấp khoảng 7 – 8%. Do đã qua xử lý nên loại bột làm bánh này có khả năng ngậm nước cũng như đường tốt hơn.
Thợ làm bánh thường sử dụng cake flour để làm các loại bánh có kết cấu bông xốp, mềm nhẹ như: bánh cuộn, bánh chiffon, bánh gato Đài Loan, Angel food cake, Japanese cotton cheesecake… Hiện nay loại bộ này được sử dụng trong nhiều công thức nên có rất nhiều thương hiệu trên thị trường. Giá của loại bột này dao động khoảng 40.000 – 80.000 đồng. Bạn có thể mua sản phẩm này ở các cửa hàng thực phẩm, các trang thương mại điện tử, hệ thống siêu thị…
Bread flour (bột làm bánh mì)
Bread flour thường được gọi là bột mì số 13 được làm từ hạt lúa mì cứng, trong bột chứa khoảng 12 – 14% protein. Nhờ vào hàm lượng gluten khá cao nên loại bột này thường dùng các loại bánh mì. Khi trộn với đường, nước, sữa và nhồi bột đúng kỹ thuật sẽ tạo sự đàn hồi và hình thành gluten. Từ đó sẽ giúp bánh dai và giòn hơn.
Bread flour gồm có 3 loại:
- Bột bánh mì trắng (white bread flour)
- Bột bánh mì whole wheat
- Bột hữu cơ (organic)
Pastry flour
Công thức của Pastry flour giống với bột mì số 8 nhưng loại bột này không qua quá trình tẩy trắng nên có màu trắng ngà và chứa hàm lượng protein cao hơn khoảng 8 – 10%. Bên cạnh đó, tính chất đàn hồi của Pastry flour sẽ thích hợp làm các loại bánh vỏ mỏng mềm như: bánh ngàn lớp, croissants, bánh cookie, muffins…
Hiện nay trên thị trường có vô số loại bột này, một vài thương hiệu nổi tiếng được cộng đồng mê làm bánh yêu thích là: Bob’s Red Mill, 365 by WFM, Central Milling…
Self – rising flour
Hay còn được gọi là bột bánh tự nở, loại bột này chứa khoảng 8 – 9% protein. Thành phần cấu tạo lên loại bột này thường là bột mì, bột nở, muối ăn. Ưu điểm lớn nhất của loại bột này chính là đã trộn sẵn bột nở và rất đều nhờ vào máy móc, nhưng thường ít được ưa chuộng vì mỗi công thức cần lượng bột nở khác nhau. Bên cạnh đó, bột nở cũng sẽ mất công dụng theo thời gian nên sẽ ảnh hưởng đến kết cấu của bánh.
Bạn cũng có thể tự làm 1 cup bột Self – rising flour bằng cách cho khoảng 1 ½ muỗng cà phê baking powder với ¼ muỗng cà phê muối sau đó trộn thêm 1 cup (130gr) bột mì đa dụng và trộn đều.
Nhóm bột làm bánh ăn kiêng
Whole Wheat Flour
Whole Wheat Flour hay còn gọi bột mì nguyên cám, đây là loại bột xay mịn từ hạt lúa mì. Loại bột này có giá trị dinh dưỡng vô cùng cao với hàm lượng protein khoảng 14% cùng các chất như xơ và các vitamin rất thích hợp để làm các loại bánh mì nguyên cám, bánh cookie, chả đậu gà Falafel…
Bran Flour
Bran Flour hay bột lúa mì, loại bột này được xay từ lớp vỏ màng của hạt lúa mì. Đây là loại thường được dùng để làm các loại bánh nguyên cám, ngũ cốc.
Rye Flour
Rye Flour hay còn được gọi là bột lúa mì đen vì được sản xuất từ nguyên liệu chính là hạt lúa mì đen. Loại bột này được phân thành nhiều loại: light rye, medium rye, dark rye, whole rye flour, rye meal, rye blend… dựa trên thành phần khoáng chất của bột.
Nếu so với bột mì thông thường, Rye Flour không chứa nhiều protein nên khả năng tạo sợi gluten rất thấp. Chính vì vậy, khi làm bánh mọi người thường trộn thêm ít bột mì để tạo sợi gluten tráng tình trạng bánh bị cứng và không có độ xốp.
Oat Flour
Đây chắc hẳn là loại bột làm bánh quen thuộc với nhiều bạn, đặc biệt là những bạn đang trong quá trình giảm cân. Bên cạnh thành phần chính là yến mạch, nhiều thương hiệu sẽ cho thêm các hương liệu, đường, muối… để tăng hương vị. Nhưng nếu các bạn mua để làm bánh ăn kiêng nên đọc kỹ thành phần để chọn loại nguyên chất nhất.
Loại này có giá trị dinh dưỡng cao, thường được dùng để làm bánh yến mạch, sinh tố, cháo, mặt nạ dưỡng da và thành phần tắm trắng.
Buckwheat Flour
Thường được gọi là bột tam giác mạch hay bột kiều mạch, được chế biến từ cây kiều mạch, có hàm lượng gluten rất thấp nên khó tạo độ xốp. Vì vậy thường được tận dụng để làm bánh pancake, crepe hoặc pasta…
Durum Flour
Durum Flour hay còn được gọi là Semolina, thành phần chính là hạt lúa mì cứng cùng các loại hạt ngũ cốc xay thô. Loại bột này có hàm lượng protein rất cao, giàu gluten nên thường được dùng để sản xuất nui, mì ống và sử dụng trong công thức làm các loại pasta khô, spaghetti, các loại bánh mì Ý…
Wheat Starch
Wheat Starch hay còn gọi bột tàn mì, là loại bột đã loại bỏ gluten nên có chất bột mịn, màu trắng tinh, không mùi. Ưu điểm của loại bột làm bánh này chính là tạo độ dai rất tốt, có khả năng tạo độ giòn cho bánh. Chính vì vậy, loại bột này thường dùng các loại bánh như: bánh phở, bánh canh, há cảo…
Hiện nay các loại bột này rất dễ mua trên thị trường, các bạn có thể tìm mua tại cửa hàng chuyên bán nguyên liệu làm bánh, siêu thị hay các trang thương mại điện tử. Một lưu ý quan trọng chính là bạn nên xem kỹ hạn sử dụng và thành phần để đảm bảo chất lượng.
Trên đây là những loại bột làm bánh thường gặp trên thị trường hiện nay. Mong rằng với những chia sẻ này các bạn sẽ có thêm kiến thức bổ ích để cẩm nang nấu nướng của mình đa dạng hơn nhé.