Trong đời sống hằng ngày, mỗi sự việc chúng ta gặp phải đều là một vấn đề và đối với trẻ em cũng thế. Cha mẹ đừng nên nghĩ rằng trẻ em thì chỉ biết ăn và ngủ, vì trong thế giới quan của trẻ, mỗi sự việc đều rất mới mẻ với chúng. Chúng ta không thể lúc nào cũng đi theo để góp ý cho trẻ nên làm thế nào. Cho nên để tập cho trẻ cách tự đưa ra quyết định của mình rất quan trọng.
Theo Mẹ và Con, bạn nên tham khảo những bước sau đây để hình thành kỹ năng tự quyết định, bước đệm đầu tiên cho sự thành công của trẻ trong tương lai:
Dạy cho trẻ biết được lý do của vấn đề
Ở tuổi dậy thì, nguyên nhân sau những chuyện mà trẻ làm thường thì chỉ có “thích” hoặc “không thích”. Bạn nên nói với trẻ rằng điều đấy là quá cảm tính, nên khuyên trẻ suy nghĩ lý do sâu hơn về vấn đề mà trẻ đang băn khoăn, lo lắng để giúp con quyết định đúng hơn.
Bên cạnh việc hỗ trợ trẻ tìm ra được lý do, cha mẹ cũng nên đặc biệt lưu ý, chúng ta phải thể hiện sự quan tâm đến lý do của trẻ và ủng hộ chúng. Bởi lẽ, nếu như nói trẻ xử lý như thế là quá cảm tính thì mình cũng không nên đưa ra quyết định cảm tính của bản thân lên vấn đề mà trẻ đang gặp. Điều ấy sẽ khiến trẻ cảm thấy không được thoải mái, tự do nữa. Cha mẹ nên nhớ nhé!
Dạy trẻ lập ra bảng so sánh
Đây là một yếu tố quan trọng để dạy con kỹ năng ra quyết định, vì khi đứng trước một quyết định trẻ thường không biết cách để quyết định đúng, những lúc như thế cha mẹ nên giúp con mình cách viết ra một bảng so sánh: có lợi và bất lợi.
Khi trẻ viết ra như thế, não bộ của trẻ sẽ nhạy bén hơn, biết cách suy nghĩ và hiểu rõ hơn tầm quan trọng của quyết định sắp tới của mình. Nhưng cha mẹ cũng nên dạy con biết cách cân đối, không phải nếu như có lợi nhiều thì quyết định theo hướng đấy, phải dạy trẻ biết thêm rằng nếu “chuyện có lợi nhiều nhưng không quan trọng” thì cũng nên biết cân nhắc đến quyết định theo chiều hướng “chuyện bất lợi ít nhưng lại quan trọng”.
Ví dụ như trẻ muốn chuyển trường học, không muốn học ở trường cũ nữa. Sau khi tìm ra được nguyên nhân trẻ muốn như thế, cha mẹ nên cho trẻ lập ra một bảng với 2 cột: Có lợi khi chuyển lớp và Bất lợi khi chuyển lớp. Để trẻ có thể ngồi xuống suy nghĩ, so sánh được những điều khó khăn mình sắp đối mặt khi chuyển trường là như thế nào.
Bên cạnh đó cha mẹ cũng nên ở cạnh để góp ý cho trẻ, nhưng nhớ là góp ý một cách khách quan nhất. Cha mẹ hãy cùng Mẹ và Con ghi nhớ rằng, việc để con mình tự nhìn nhận và đưa ra hướng giải quyết chính là một phương pháp dạy con thông minh đấy.
Dạy trẻ biết cách nghĩ đến hậu quả
Sau khi lập ra bảng so sánh và trẻ đã có được quyết định của mình. Cha mẹ nên hỏi chúng rằng “Nếu con làm như thế thì chuyện gì sẽ xảy ra?”, “Chuyện con sắp làm có ảnh hưởng đến ai không?”, “Nó có thật sự quan trọng với con?”
Để trước khi quyết định chuyện gì đó, trẻ sẽ biết cách suy nghĩ xa và sâu hơn về vấn đề của mình, tập cho trẻ có thói quen tư duy một cách thấu đáo và kỹ càng hơn, để trẻ có thể đưa ra một quyết định đúng cho mình.
Dạy trẻ biết cách theo đuổi hoặc chuyển hướng quyết định
Nên dạy trẻ làm sao để phân biệt được quyết định mà trẻ đưa ra phải là một quyết định nghiêm túc nhất? Trong trường hợp này, chúng ta cần phải hỏi trẻ rằng “Đây là quyết định tạm thời hay là quyết định duy nhất của con?”.
Sau đó, cha mẹ nên giúp trẻ cũng như tập cho trẻ thói quen đưa ra những phương án dự phòng, nếu như quyết định đó có tầm ảnh hưởng lớn đối với trẻ. Dạy trẻ biết cách chọn một phương án an toàn cho mình, nhưng không nên khuyến khích trẻ làm theo những điều cha mẹ thích, phải cho trẻ tự quyết định được sự việc của mình như thế nào là tốt nhất.
Dạy con biết chịu trách nhiệm với quyết định của mình
Đây cũng chính là mấu chốt của mọi vấn đề. Dù sau cùng quyết định ấy không dẫn đến mong muốn tốt nhất, thì cha mẹ cũng nên dạy con mình biết chịu trách nhiệm với tất cả quyết định của mình, không dạy con cách nói dối hay trốn chạy.
Bạn nên nói với trẻ rằng “Sau khi mọi chuyện xảy ra thì cha/mẹ vẫn còn ở đây và ủng hộ con”, để trẻ có thể tự tin hơn, khuyên trẻ rằng đó là một bài học để trẻ có thể rút được kinh nghiệm cho bản thân mình, giúp chúng có thể hoàn thiện được chính mình.
Tâm sinh lý của trẻ đối với việc tự quyết định một vấn đề nào đấy sẽ tạo nên một nguồn cảm hứng rất tích cực, khiến chúng cảm thấy mình dần chín chắn và sẽ quan tâm hơn đến những vấn đề gặp phải hằng ngày dù nhỏ nhất. Việc tập những thói quen ở trên sẽ khiến trẻ trở nên điềm tĩnh, tự tin hơn khi đối mặt với những vấn đề.
Cho trẻ không gian riêng tư để ra quyết định một mình
Hãy cho con trẻ tự ra một số quyết định như đọc cuốn sách nào khi đi ngủ hoặc con bạn muốn cà rốt hay khoai lang trong bữa tối không phải là lựa chọn gì lớn đối với bạn. Thế nhưng, cho phép con lựa chọn sẽ khiến chúng cảm thấy được tham gia nhiều hơn và cho chúng sự tự chủ hơn.
Ngoài ra, hãy cho con không gian riêng để đưa ra quyết định ngay cả khi con không đưa ra sự lựa chọn làm bạn hài lòng, miễn là hậu quả không ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc sự an toàn của con.
Ví dụ, nếu con bạn muốn nhận tiền quà vặt khi đến trường, hãy để con được làm như con muốn. Chắc hẳn vào giờ nghỉ trưa trẻ có thể tốn vài nghìn vào những món không xứng đáng. Việc này sẽ khiến chúng thất vọng và xem rằng việc xin quá nhiều tiền quà vặt là một ý tưởng không hay. Để trẻ học hỏi từ những sai lầm của bản thân là một cơ hội giảng dạy tuyệt vời mà con trẻ có thể sẽ nhớ lâu hơn là bạn chỉ đơn giản “không” với con ngay từ đầu.
Và việc kỹ năng ra quyết định từ nhỏ sẽ giúp trẻ có thể tự lập hơn, tự tin với bản thân mình hơn. Bên cạnh đó thì sự ủng hộ và hỗ trợ của phụ huynh từ những bước bắt đầu rất có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với trẻ. Chúng ta cũng sẽ yên tâm hơn nếu con mình biết suy nghĩ thế nào là đúng sai, phải không nào?