Mẹ và Con - Yoga là hình thức tập luyện mang đến sự thư giãn, dẻo dai, rất phù hợp cho mẹ bầu. Tuy nhiên không phải mẹ nào cũng có thể thực hiện và nhận được lợi ích từ yoga bà bầu. Vì sao lại như thế?

Trong suốt thai kỳ, sự an toàn của mẹ và bé được đặt lên cao nhất. Vì thế, khi nói đến yoga bà bầu, nhiều mẹ sẽ cảm thấy e ngại. Trên thực tế có nhiều hình thức yoga phù hợp với mọi cấp độ và thể trạng. Thậm chí là rất an toàn để thực hiện trong thời kỳ mang thai, giúp mẹ bầu giữ dáng, khỏe mạnh và dẻo dai cho ngày vượt cạn.

Dịp này, Tạp chí Mẹ và Con sẽ chia sẻ đến mẹ những thông tin hữu ích giúp mẹ bảo vệ sức khỏe hiệu quả. Cùng tìm hiểu nhé!

Lợi ích của yoga bà bầu là gì?

Nếu từng tìm hiểu, hẳn bạn biết rằng yoga là một trong những phương pháp tuyệt vời để cải thiện sức khỏe thể chất, tinh thần và cảm xúc. Giống như các loại lớp học tiền sản khác, yoga là một cách tiếp cận nhiều mặt để tập thể dục giúp cơ thể dẻo dai, tập trung tinh thần và hít thở.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, yoga bà bầu an toàn và có thể mang lại nhiều lợi ích cho phụ nữ mang thai và em bé như:

  • Cải thiện lưu thông máu, săn chắc cơ bắp cần cho sinh nở.
  • Giữ tinh thần thoải mái thông qua thư giãn, hít thở và thiền định.
  • Mang đến sự xoa dịu và giảm căng thẳng cơ bắp.
  • Cải thiện giấc ngủ.
  • Giảm căng thẳng và lo lắng.
  • Giảm đau lưng dưới, buồn nôn, nhức đầu và khó thở.
  • Tạo điều kiện cho bạn gặp gỡ, kết nối với những mẹ bầu khác.

Chưa bao giờ tập yoga, nay tôi có thể bắt đầu khi đang mang thai?

Mang thai là thời điểm lý tưởng để bắt đầu tập yoga. Các tư thế dành cho người mới bắt đầu đơn giản hơn hầu hết mọi người tưởng tượng.

Bạn nên bắt đầu nhẹ nhàng và chậm rãi. Người hướng dẫn sẽ sửa đổi các tư thế sao cho phù hợp với giai đoạn mang thai của bạn. Lắng nghe huấn luyện viên và chú ý đến những thông điệp từ cơ thể. Các tư thế yoga thường được thiết kế để kéo dài, không căng thẳng. Nhưng nếu bạn cảm thấy đau và khó chịu, hãy dừng lại.

yoga bà bầu

Hãy suy nghĩ về việc nhẹ nhàng cho phép cơ thể bạn mở ra hoặc kéo dài trong một tư thế, thay vì cố gắng đạt được nó. Hãy thoải mái và chọn giải lao nếu bạn cảm thấy mệt mỏi trong giờ học. Mang theo một chai nước để nhấm nháp nếu bạn cảm thấy khát. Ngoài ra, hãy cố gắng ăn nhẹ 1-2 giờ trước khi tập yoga.

Hãy cho bác sĩ hoặc nữ hộ sinh của bạn biết trước khi bắt đầu tập yoga hoặc bất kỳ hình thức tập thể dục nào khi bạn đang mang thai, đặc biệt nếu đó là loại hình bạn chưa từng tập trước đây. Bạn cũng có thể nói chuyện với người hướng dẫn yoga về bất kỳ mối quan tâm nào mà bạn có thể có.

Khi nào tôi có thể bắt đầu tập yoga cho bà bầu?

Thời điểm tốt nhất để bắt đầu tập yoga nếu bạn chưa từng tập trước đây là vào tam cá nguyệt thứ hai, sau khoảng 14 tuần. Các hhuyến luyện viên yoga khuyên bạn không nên thử các tư thế này trong tam cá nguyệt đầu tiên, nếu bạn chưa quen với chúng.

Đáng buồn thay, thời gian sảy thai phổ biến nhất lại xảy ra trong tam cá nguyệt đầu tiên. Không có bằng chứng nào cho thấy tập yoga hay bất kỳ bài tập nào khác trong ba tháng đầu sẽ gây hại cho thai kỳ của bạn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, một số giáo viên yoga bà bầu sẽ khuyên bạn không nên tập yoga trong ba tháng đầu tiên .

Trong tam cá nguyệt thứ hai, bạn cũng ít có khả năng cảm thấy mệt mỏi và ốm yếu trong một giờ học dài.

Một số giáo viên yoga khuyên rằng, nếu em bé của bạn được thụ thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, bạn nên đợi thai được khoảng 20 tuần để bắt đầu các lớp học. Điều này giúp phôi thai bám tốt hơn. Ngoài ra, nếu bạn đã điều trị IVF, bạn có nhiều khả năng mang thai đôi hoặc hơn. Mang đa thai có nguy cơ sảy thai cao hơn. Do đó, tốt nhất bạn nên thận trọng.

Nếu bạn quyết định tập yoga trong ba tháng đầu tiên, hãy thực hiện các bài tập thư giãn và hít thở. Nếu bạn đã tập yoga trước khi mang thai, bạn có thể muốn tập chậm lại và nhận biết bất kỳ thay đổi nào trong cơ thể mình .

Những tư thế yoga nào không an toàn cho mẹ bầu?

Các tư thế và vị trí sau đây không được khuyến khích khi mang thai:

  • Nằm ngửa sau 16 tuần .
  • Các bài tập thở liên quan đến việc nín thở hoặc thở ngắn, thở mạnh
  • Kéo dài hoặc thực hiện các vị trí khó khăn khiến bạn căng thẳng.
  • Nằm sấp.
  • Tư thế lộn ngược.
  • Uốn cong lưng.
  • Vặn xoắn mạnh.
  • Tránh một số tư thế phức tạp.
  • Khi thực hiện các tư thế, hãy uốn cong từ hông (không phải từ lưng) để duy trì độ cong bình thường của cột sống.
  • Tránh nằm sấp hoặc ngửa, gập người sâu về phía trước, phía sau hoặc thực hiện các tư thế vặn người gây áp lực lên bụng. Bạn có thể sửa đổi các tư thế vặn mình để chỉ di chuyển phần lưng trên, vai và lồng ngực.

yoga bà bầu

Dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm của yoga bà bầu?

Hầu hết các lớp yoga đều bắt đầu với phần khởi động để kéo giãn lưng, cánh tay và chân. Sau đó, các tư thế sẽ giúp tăng cường sức mạnh và sức chịu đựng của bạn. Các lớp học thường kết thúc phần thư giãn hoặc thiền có hướng dẫn để giúp bạn thư giãn và cảm thấy sảng khoái. Hầu hết các lớp học yoga kéo dài khoảng 90 phút.

Nếu bạn cảm thấy đau hoặc có dấu hiệu như chảy máu âm đạo, giảm chuyển động của thai nhi hoặc co thắt trong khi tập yoga bà bầu, hãy dừng lại và báo ngay với bác sĩ sản khoa của bạn để được kiểm tra và hướng dẫn cách xử lý an toàn, phù hợp.

Yoga cho ba bầu mang đến nhiều lợi ích cho mẹ và con, nhưng bạn cũng không nên vì thế mà quá mạo hiểm để tránh ảnh hưởng sức khỏe nhé! 

Bài viết liên quan