Mẹ&Con - Kiểm tra lại những kiến thức nho nhỏ của mình, để chuẩn bị thật chu đáo cho hành trình dài chín tháng…

Mẹ biết những việc này chưa (kì 5)

(Ảnh minh hoạ)

1. Yếu tố nào sau đây có thể gây nguy cơ viêm vùng chậu?  

a. Quan hệ tình dục sớm và quan hệ với nhiều người khác nhau.

b. Có tiền căn viêm cổ tử cung nhầy mủ điều trị không triệt để, tái phát nhiều lần.

c. Từng thực hiện các thủ thuật nạo hút thai, thủ thuật trên âm đạo, cổ tử cung, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây bệnh.

d. Tất cả các yếu tố nguy cơ trên đều đúng. 

>> Đáp án đúng là: câu d.

Viêm vùng chậu là bệnh phụ khoa thường gặp ở phụ nữ trong tuổi sinh đẻ. Đây là hội chứng lâm sàng gây nên bởi tình trạng nhiễm trùng của tử cung, tai vòi, buồng trứng, phúc mạc chậu và các cơ quan lân cận. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không đúng mức có thể gây áp-xe vùng chậu, thường là khối áp-xe ở tai vòi buồng trứng.

Viêm vùng chậu có thể để lại di chứng đau vùng chậu mạn tính dai dẳng, tổn thương hàng loạt lông chuyển của nội mạc vòi trứng gây ra xơ dính làm ảnh hưởng sự thụ thai của người phụ nữ, đưa đến vô sinh và dễ biến chứng bị thai ngoài tử cung về sau.

Ngoại trừ việc cố gắng tránh các yếu tố nguy cơ như đã kể trên, phụ nữ còn cần để ý đến việc vệ sinh vùng kín đúng cách. Hạn chế thụt rửa sâu trong âm đạo vì việc này sẽ gây xáo trộn môi trường âm đạo, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn gây hại phát triển, gây nhiễm khuẩn âm đạo. Khi có huyết trắng bất thường cần đến cơ sở chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị đúng cách, không nên tự ý đặt thuốc âm đạo.

2. Tình trạng nổi mề đay, sẩn ngứa là do…

a. Sự thay đổi nội tiết tố thai kỳ.

b. Kém vệ sinh.

c. Ăn trúng các loại thực phẩm dị ứng. 

>> Đáp án đúng là: câu a.

Tuy việc ăn phải một số loại thực phẩm gây dị ứng cũng có thể làm nổi mề đay nhưng tình trạng nổi mề đay, sẩn ngứa trong thai kỳ được xác định chủ yếu là do ảnh hưởng của sự thay đổi nội tiết tố thai kỳ. Biểu hiện của bệnh là xuất hiện những mảng, sẩn mề đay trên nền hồng ban kích thước 1-2mm, xuất hiện đầu tiên ở bụng, thường xung quanh các vân da, sau đó lan ra mông, đùi và tứ chi.

Tình trạng này xảy ra nhiều nhất vào những tháng cuối thai kỳ nhưng không nguy hiểm đến thai phụ cũng như em bé trong bụng. Nói rõ hơn, bệnh không liên quan đến tiền sản giật, sản giật, các bệnh rối loạn tự miễn, các bất thường về hormone hay những bất thường khác về thai nhi. Các việc cần làm lúc này chỉ là làm dịu cơn ngứa. Lưu ý, không nên sử dụng các bài thuốc dân gian mà phải hỏi ý kiến của bác sĩ sản khoa, kết hợp với việc kê toa của bác sĩ da liễu để có được thuốc giảm ngứa tốt nhất mà không gây ảnh hưởng đến thai nhi.

3. Theo bạn, gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ là…

a. Một biến chứng nghiêm trọng trong giai đoạn mang thai thường xảy ra trong 3 tháng cuối.

b. Một hiện tượng do rối loạn chức năng trong quá trình oxy hóa acid béo dẫn đến sự tích tụ mỡ trong các tế bào gan.

c. Cả hai câu a và b đều đúng.

>> Đáp án đúng là: câu c.  

Gan nhiễm mỡ cấp tính thai kỳ là một bệnh lý nặng, biến chứng trầm trọng và khả năng tử vong cao nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh thường gặp trong ba tháng cuối của thai kỳ, nhưng cũng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong nửa cuối của thai kỳ, hoặc giai đoạn hậu sản. Các triệu chứng thông thường là: nôn mửa, buồn nôn, chán ăn, đau bụng, vàng da, sốt. Ở những bệnh nhân nặng, có thể kèm theo tiền sản giật, trong đó bao gồm tăng huyết áp và phù. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng như suy thận cấp, bệnh não gan, và viêm tụy. Ngoài ra có thể có biến chứng đông máu nội mạc lan tỏa.

Để tránh xảy ra tình trạng này, thai phụ thuyệt đối không uống rượu khi mang thai, điều trị tốt các bệnh lý nội khoa trước khi có thai. Trong thời gian chín tháng thai kỳ, phải khám thai định kỳ và thực hiện tốt các hướng dẫn của bác sĩ sản khoa.

4. Ngộ độc thức ăn trong khi mang thai có thể gây nên nguy cơ nào cho thai nhi trong các nguy cơ dưới đây?

a. Dọa sảy thai, sảy thai, thai chết lưu.

b. Thai nhi chậm phát triển, suy thai.

c. Sinh non.

d. Cả 3 câu trên đều đúng.

>> Đáp án đúng là: câu d.

Ngộ độc thức ăn trong khi mang thai là một nguy cơ cho thai nhi. Tùy mức độ độc tính của vi khuẩn có trong thức ăn mà người mẹ ăn vào, độc tính của vi khuẩn sẽ truyền qua nhau thai đến thai, gây ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau. Nếu mang thai 3 tháng đầu và bị ngộ độc nặng, thai nhi có thể bị dọa sảy thai, sảy thai hoặc thai chết lưu. Nếu xảy ra trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối, thai nhi có thể bị chậm phát triển, thai suy, nặng hơn nữa có thể sinh non.

Để đề phòng việc này, mẹ phải chú ý ăn uống lành mạnh, không nên ăn ở bên ngoài hàng quán vì dễ ăn phải thức ăn mất vệ sinh, bị ngộ độc. Luôn rửa rau và trái cây trước khi ăn. Tránh không ăn các loại thịt chưa nấu chín. Không tiêu thụ sản phẩm chưa được chế biến và chưa được tiệt trùng. Không ăn các loại thức ăn làm bằng gỏi sống, thức ăn qua đêm hay thức ăn không được bảo quản kỹ, thức ăn chuyển màu, có mùi ôi thiu… Dấu hiệu nhận biết bị ngộ độc thức ăn là bị tiêu chảy nhiều lần, nôn, đau bụng, sốt, đau đầu, toàn thân nhức mỏi, mê sảng, co giật… Trong trường hợp gặp các triệu chứng này, cần cố gắng nôn ra cho hết những gì đã ăn vào, sau đó đến ngay bệnh viện.

5. Hiện tượng sản phụ bị bí tiểu sau sinh thường có nguyên nhân do…

a. Trong quá trình chuyển dạ sinh, ngôi thai xuống thấp, thường là đầu thai nhi đè vào cổ bàng quang hay niệu đạo gây ứ đọng nước tiểu, làm bàng quang căng giãn nhiều, mất trương lực.

b. Lúc sinh, có trường hợp phải cắt tầng sinh môn để giúp cho đầu thai nhi sổ ra được dễ dàng, sau sinh phải may lại chỗ cắt. Chỗ may sưng nề làm cho người mẹ khi đi tiểu không dám rặn tiểu vì đau. Sau khi sinh, bàng quang không nhạy cảm với kích thích khi nước tiểu đầy gây bí tiểu.

c. Khi mới bí tiểu, sản phụ sốt ruột nên cho thực hiện động tác thông tiểu nhiều lần, gây viêm bàng quang, khiến triệu chứng bí tiểu càng nặng nề hơn.

>> Đáp án đúng là: các câu trên đều đúng!   

Bí tiểu là một trong những biến chứng thường gặp với sản phụ sau khi sinh, nhất là khi sinh bằng ngả âm đạo. Bí tiểu sau sinh không gây nguy hiểm nhưng gây khó chịu cho người mẹ. Để phòng tránh tình trạng này, sản phụ sau khi sinh cần cố gắng vận động sớm, tự đi tiểu, không nên sợ đau với vết may tầng sinh môn, tập rặn tiểu bình thường theo tư thế tiểu tự nhiên. Ngoài ra, nên uống nhiều nước, vệ sinh vùng kín sạch sẽ bằng nước rửa vệ sinh phụ khoa.

> Mẹ đã biết những điều này chưa kì 4

Tags:

Bài viết liên quan

uống thuốc trị mụn

Bác sĩ giải đáp: Uống thuốc trị mụn có gây vô sinh không?

Mẹ và Con - Hiện nay trong lĩnh vực làm đẹp đã xuất hiện nhiều phương pháp trị mụn và gây ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây mụn, ngăn ngừa sự tái phát của mụn. Trong đó, có nhiều chị em chọn cách uống thuốc trị mụn, tuy nhiên uống thuốc trị mụn có gây vô sinh không, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe hay không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!