Mẹ và Con - Nhiều phụ huynh khi cho trẻ ở nhà một mình rất lo lắng vì không biết làm sao để đảm bảo an toàn cho con. Hãy cùng Mẹ và Con tìm hiểu những bí quyết đơn giản dưới đây bạn nhé.

Dịch bệnh hay học online là thời điểm bất đắc dĩ ba mẹ phải gửi trẻ về nhà ông bà hoặc để trẻ ở nhà một mình. Trường hợp có người chăm các bé thì ba mẹ cũng an tâm phần nào. Nhưng nếu rơi vào trường hợp bắt buộc phải để trẻ ở nhà một mình thì chắc chắn không yên lòng được.

Nếu nằm trong tình trạng này, bạn nên tìm hiểu những cách làm thế nào để giữ cho bé an toàn khi ở nhà một mình, biết cách đối phó với những người lạ và lường trước các yếu tố nguy hiểm khi ba mẹ vắng mặt. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin về điều này để ba mẹ tham khảo.

1. Thời điểm an toàn để trẻ ở nhà một mình

Trước khi tìm hiểu các mẹo bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ, ba mẹ cần xem xét liệu có nên để trẻ ở nhà một mình trong các trường hợp nhất định hay không. Dưới đây là một số gợi ý liên quan, cụ thể:

1.1 Ban ngày tốt hơn ban đêm

Rủi ro hay nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng việc tìm kiếm sự giúp đỡ vào ban ngày sẽ dễ dàng hơn với ban đêm. Thêm nữa, trẻ nhỏ cũng thường dễ sợ hãi nếu ở một mình vào ban đêm. Do đó, ba mẹ nên hạn chế để trẻ ở nhà một mình vào buổi tối nhé!

Tất nhiên, sẽ có những gia đình ba mẹ làm ca sáng và gia đình khác thì chủ yếu làm ca tối. Vậy nên, ba mẹ cần bàn bạc với nhau, chỉ để ba hoặc mẹ làm buổi tối hoặc nếu không sắp xếp được thì nên gửi con cho người thân.

1.2 Độ tuổi của trẻ

Trước khi quyết định để trẻ ở nhà một mình, cần cân nhắc khả năng ở nhà một mình của bé. Để đánh giá điều này, ba mẹ hãy trả lời những câu hỏi như liệu bé có đủ lớn, ít nhất là từ 10 tuổi trở lên để ở nhà một mình không? Liệu trẻ có thể nói chuyện, gọi điện thoại, tự khóa cửa và la lên nhờ hàng xóm giúp đỡ không? Liệu trẻ có thể tự sơ cứu khi bị thương không?

cho trẻ ở nhà 1 mình

1.3 Có ai sẵn sàng giúp đỡ không?

Điều này đặc biệt quan trọng khi trẻ ở nhà một mình trong hơn vài giờ. Thử xem xét rằng nếu cả ba mẹ không về đúng giờ thì có ai tin cậy để hỗ trợ chăm nom bé không? Khi câu hỏi trên được giải quyết thì bạn mới có thể để trẻ ở nhà một mình.

2. Mẹo an toàn cho trẻ ở nhà một mình

Khi quyết định để trẻ ở nhà một mình, ba mẹ cần dạy con một số kỹ năng cần thiết để con có thể tự mình bảo vệ bản thân cũng như tránh được những nguy hiểm tác động bên ngoài. Dưới đây là một số điều ba mẹ nên để trẻ biết sớm, cụ thể:

2.1 Dạy bé cách sử dụng điện thoại

Nếu trẻ tự đi học về mà không có ba mẹ đưa đón, hãy nói con gọi điện thoại ngay khi vừa về đến nhà. Thêm nữa, hãy cài đặt tên và số người thân, ba mẹ trong danh bạ điện thoại và nhắc con chỉ được nghe cuộc gọi từ các số có tên.

Bên cạnh đó, ba mẹ cũng cần tạo danh sách có tất cả số liên lạc khẩn cấp bao gồm số điện thoại văn phòng ba mẹ, số người thân, số hàng xóm hoặc người có thể hỗ trợ khi bé cần. Dán danh sách này ở những nơi dễ dàng nhìn thấy trong nhà như tủ lạnh, kệ sách…Việc này sẽ giúp con chủ động tìm tới sự giúp đỡ khác khi ba mẹ đều không nghe máy.

điện thoại

2.2 Rèn luyện các kỹ năng cho con

Nếu sợ trẻ lơ đễnh, không nhớ hoặc luống cuống khi vào tình huống thực tế thì ba mẹ có thể cho con thử giả định tất cả các trường hợp khẩn cấp có thể nghĩ tới. Ngoài ra, trường hợp không thể gọi cho con khi trẻ ở nhà một mình thì ba mẹ nên xem xét hàng xóm kế bên có tin tưởng được không và xin số để liên lạc với họ những lúc như này nhé!

2.3 Nói không với nấu nướng

Với trẻ ở nhà một mình, ba mẹ tuyệt đối dặn dò con không được tiếp xúc với bếp lửa hoặc những vật tạo nhiệt như bình siêu tốc…để tránh nguy cơ hỏa hoạn. Trước khi ra ngoài, hãy chắc chắn đã khóa bếp, van bình gas, rút điện các thiết bị nhà bếp. Mặt khác, hãy chuẩn bị những món ăn gọn nhẹ cho bé và để trên bàn, nơi con có thể dễ dàng lấy được.

cho trẻ ở nhà 1 mình không

2.4 Đưa ra lịch trình

Việc tạo ra lịch trình, thời gian biểu dành cho bé và biến thành thói quen khi không có người lớn trong nhà sẽ giúp ba mẹ dễ dàng kiểm soát hành trình của con hơn. Chẳng hạn như 13 giờ ngủ tới 14 giờ dậy, ăn dặm rồi học bài…

2.5 Lắp lưới an toàn

Khi trong phạm vi của người lớn, trẻ nhỏ thường ngoan ngoãn hơn vì sợ bị khiển trách. Tuy nhiên, khi trẻ ở nhà một mình, không bị rành buộc thì sẽ trở nên tinh nghịch hơn. Để tránh tai nạn đáng tiếc, ba mẹ nên cân nhắc đến việc lắp lưới hoặc song sắt an toàn cho các khung cửa sổ hoặc ban công.

2.6 Đặt chất độc hại ở tủ và khóa lại

Các chất có nguy cơ gây ngộ độc khi hít phải và nuốt vào bao gồm thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa nhà vệ sinh, thuốc xịt muỗi, sơn…Ngoài ra, những thứ khác và các chất tương tự khác đều phải được gom vào 1 nơi nhất định, khóa lại và đảm bảo trẻ không thể tiếp cận.

trẻ ở nhà một mình

2.7 Đặt vật sắc nhọn ở nơi cao

Trẻ nhỏ vốn luôn tò mò và muốn chạm vào tất cả đồ vật xung quanh. Điều này bao gồm cả những vật sắc nhọn mà trẻ không lường trước được mối nguy hiểm. Do vậy, trước khi để trẻ ở nhà một mình, ba mẹ hãy đặt dao, kéo, dụng cụ sửa chữa…ở nơi bé không thể với tới hoặc tốt nhất khóa lại. Tránh để trên cao vì có thể bị rơi xuống khi bé phát hiện và cố với lấy, gây nguy hiểm cho bé.

2.8 Khóa con từ bên ngoài

Việc khóa cửa từ bên ngoài có mặt lợi và hại riêng. Để trẻ ở nhà một mình và khóa cửa từ bên ngoài là một trong những cách tốt nhất để ngăn con mở cửa cho người lạ. Để thực hiện được điều này thì hãy đảm bảo rằng trong nhà có đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết như thức ăn, nước uống…

Tuy nhiên, việc khóa con từ bên ngoài cũng có thể không an toàn, ví dụ như khi xảy ra hỏa hoạn, trẻ sẽ gặp khó khăn trong việc mở cửa để chạy thoát thân.

2.9 Tạo mật mã bảo vệ

Nếu thấy việc khóa cửa bên ngoài không an toàn thì ba mẹ nên tạo mật mã riêng chỉ ba mẹ và con biết với nhau mà thôi. Điều này giúp bé phân biệt được ai là người quen, người lạ. Chẳng hạn, mật mã này có thể là một câu nói hay một câu hỏi nào đó, khi bé đọc một nửa câu thì người phía bên ngoài phải đọc nói hoặc trả lời.

dạy con cách phòng vệ

2.10 Đưa ra luật

  • Ba mẹ hãy đưa ra các luật và bắt bé tuân theo như:
  • Con không được phép rời khỏi nhà
  • Con không được mở cửa cho ai vào nhà, kể cả bạn bè
  • Luôn nhìn qua lỗ nhòm để kiểm tra có đúng là ba mẹ hoặc người thân không rồi mới mở cửa
  • Không bao giờ mở cửa cho người lạ, nhân viên giao hàng, thợ sửa điện nước/máy lạnh…
  • Không được dùng đến diêm hay bật lửa
  • Bé không được nói với ai là bản thân đang ở nhà một mình.

2.12 Thưởng cho con

Sau khi dặn dò hoặc thực hành kỹ năng để trẻ ở nhà một mình, hãy cho bé biết rằng con sẽ được thưởng nếu làm theo luật và mong muốn của ba mẹ. Điều này sẽ khuyến khích con cố gắng duy trì và thực hiện những điều ba mẹ dặn.

Để trẻ ở nhà một mình là điều khó tránh, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Do đó, ba mẹ cần giáo dục các kỹ năng sống để ở một mình cho trẻ. Đồng thời, tìm kiếm tới sự giúp đỡ của người thân để an tâm được phần nào nhé! Rèn luyện kỹ năng ở nhà một mình cho trẻ cũng mang tới cho con những bài học và bước tiến phát triển giúp ích cho tương lai sau này. Vậy nên, ba mẹ đừng ngần ngại dạy con nhé!

Bài viết liên quan

tâm trạng của mẹ bầu

Tâm trạng của mẹ bầu có ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi?

Mẹ và Con - Tâm trạng của mẹ bầu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của chính bản thân mình mà còn có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm hồn và cả thể chất của thai nhi. Một tâm hồn lạc quan, sẻ chia, và tình yêu thương sẽ là nguồn năng lượng vô tận, giúp bé yêu phát triển toàn diện, khỏe mạnh từng ngày trong bụng mẹ.