Mẹ&Con - Mặc dù luôn miệng khuyên bà bầu nên nghỉ ngơi nhiều, giảm áp lực, dành thời gian nghe nhạc, thư giãn, nhưng có một thực tế bác sĩ nào cũng biết là… rất hiếm “bầu” có đủ điều kiện thực hiện đúng điều đó

Việc nơi công sở không ít. Môi trường ở công sở không dễ để nằm xuống nghỉ ngơi, dù chỉ là 20 phút buổi trưa. Bạn nên làm gì khi mang thai, và hứa hẹn sẽ trải qua đến 9 tháng trời… nơi công sở?

Đến sát ngày sinh vẫn ngồi làm báo cáo!

Đừng tưởng chuyện này hiếm gặp. Nhìn qua nhìn lại trong chính môi trường làm việc của mình, chắc bạn đã quá quen với chuyện một đồng nghiệp “lặc lè” vẫn phải lo liệu đủ mọi thứ lớn nhỏ trong công ty. Có chị, đến sát ngày sinh vẫn chưa bàn giao được hết toàn bộ công việc để yên tâm “nghỉ đẻ”.

Thậm chí, các bác sĩ cũng đã không ít lần “choáng” trước cảnh bà bầu đã nhập viện chuẩn bị để sinh, mặt nhăn nhó vì đau mà điện thoại vẫn… reng vì có việc ở công ty cần giải quyết!

Nhiều thai phụ nhấp nhổm hỏi bác sĩ trước giờ sinh: “Em nghỉ sinh chừng… một tháng đi làm lại được không bác sĩ???” Rõ ràng, dù cơ quan có giúp giảm tải chút ít, dù bạn bè đồng nghiệp có gánh bớt cho những phần khó nhọc thì bà bầu vẫn phải đối diện với 9 tháng đầy áp lực nơi công sở như thường.

Những khó khăn nào sẽ nảy sinh với một bà bầu nơi công sở? Trước hết là chuyện stress ! Khi mang thai, bạn được ưu tiên đủ điều ở nhà. Nhưng ở nơi làm việc thì ai cũng cả núi việc như ai.

Chẳng sếp nào tươi tắn, vui vẻ với một nhân viên vẫn nhận lương đều đều nhưng hiệu quả công việc chỉ bằng phân nửa người khác với lý do… chuẩn bị làm mẹ cả! Thế nên, nói giảm tải công việc là nói thế thôi, chứ “bầu” vẫn phải miệt mài gánh hết bằng đấy áp lực của họp hành, báo cáo, của những trục trặc với khách hàng hay những cuộc điện thoại, tin nhắn, email…

Thứ đến, chuyện nan giải khác với bầu nơi công sở là chuyện phải ngồi một chỗ rất lâu! Ai cũng thuộc lòng những lời khuyến khích của bác sĩ như đừng ngồi yên một chỗ, phải chịu khó đi tới đi lui. Song, thực tế là chẳng lẽ mọi người đang ngồi yên làm việc, “bầu” lại… lượn ra lượn vào liên tục? Ngồi một chỗ, chân dễ phù, lưng dễ đau.

Đó là chưa kể thêm một loạt các khó khăn khác như môi trường máy lạnh, đồng nghiệp nam có người hút thuốc lá, đi lên đi xuống nhiều tầng lầu khó khăn. Nhiều khi mệt quá, muốn ngả lưng nằm một chút hoặc chợp mắt chừng nửa tiếng buổi trưa, nhiều chị cũng “bó tay” vì không gian chung quá chật hẹp, ai cũng ngủ ngồi ngay tại bàn, chẳng lẽ mình lại… nằm xuống đất?

Thêm một chuyện nữa rất đáng ngại với bầu nơi công sở, đó là đồ ăn thức uống. Tùy văn hóa công ty, một số nơi hoàn toàn không cho phép nhân viên được “nhâm nhi” tại bàn làm việc. Trong khi đó, ai cũng biết bà bầu cần nhiều bữa phụ, do cơ thể bị nghén rất khó ăn uống đều đặn 3 bữa/ngày như lúc bình thường.

Những bữa cơm trưa phải lỉnh kỉnh mang theo, nếu không, ăn ở ngoài thì bầu lại dễ lâm vào cảnh thiếu chất. Đấy, kể sơ sơ thế thôi đã thấy hàng loạt những “mối nguy” ở nơi công sở có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bầu rồi.

Bầu nơi công sở

(Ảnh minh hoạ)

Thế thì làm sao cho “bầu” khỏe?

Bạn sẽ trải qua 8 tiếng “cao điểm” trong ngày ở nơi công sở, ròng rã suốt 9 tháng trời. Nếu sức khỏe của bạn tương đối tốt, thai kỳ trải qua yên ả, dễ chịu thì còn đỡ. Ngược lại, khi bị thai “hành”, khi áp lực công việc quá nhiều, bạn sẽ “gay go” đấy nhé. Hãy tham khảo một số hướng dẫn sau đây, có thể nó giúp ích được nhiều cho bạn.

1. Giảm tải ngay khi biết mình có thai

Thật ra, việc này cần thực hiện khi bạn vừa có ý định mang thai kia! Một số kế hoạch, dự tính như tham dự các khóa học nâng cao, sự đề bạt lên vị trí mới đều cần cân nhắc kỹ. Nó tốt cho bước đường thăng tiến của bạn nhưng lại… bất lợi cho bé yêu trong bụng bạn. Hãy chấp nhận “hi sinh” một chút.

Bạn nên trao đổi với phòng nhân sự và sếp của mình chậm nhất là một tháng sau khi biết có thai. Bằng cách đó, bạn sẽ có thể từ chối được một số phần việc quá nặng nề, thu xếp giảm tối đa công việc (ở mức có thể, tùy theo hoàn cảnh). Cần lên cả kế hoạch người thay thế cho bạn trong giai đoạn nghỉ sinh nữa nhé!

2. Thay đổi môi trường

Bạn không thay đổi được quá nhiều đâu, trừ khi bạn ở vị trí đủ cao để có… một phòng làm việc riêng. Tuy nhiên, có thể nỗ lực thay đổi một số thứ nho nhỏ trong “tầm kiểm soát” của mình.

Ví dụ như hãy tổng vệ sinh thật sạch sẽ bàn làm việc của mình và những tủ kệ nằm gần đấy. Vệ sinh bàn phím máy tính vì nơi đây chứa rất nhiều vi khuẩn. Nên đặt trên bàn một bình nước lớn (loại 1 lít đến 1,5 lít) để không cần đi lại quá nhiều mỗi khi bạn khát nước.

Bình nước ấy cũng sẽ cho bạn biết bạn đã uống đủ lượng nước chưa. Có thể trang trí chung quanh mình thêm vài bức hình trẻ con, vài thứ xinh xinh để bạn cảm thấy vui vẻ, sảng khoái hơn khi làm việc.

Kiểm tra xem thử ghế ngồi của bạn có vừa tầm không. Bạn nên có một chiếc gối tựa lưng thật mềm và một chiếc ghế nhỏ (hoặc thùng giấy) đặt dưới gầm bàn, để bạn có thể gác chân lên thoải mái khi ngồi làm việc.

Ngoài ra, nếu trong phòng làm việc của bạn có người hút thuốc, hãy nói chuyện với các đồng nghiệp ấy về chuyện bạn mang thai và đề nghị họ từ nay sẽ hút thuốc ở ngoài phòng. Một số công sở có khu vực hút thuốc riêng, bạn tránh xa những nơi này nhé.

3. Thu xếp chuyện ăn

Bà bầu nhất định không được bỏ bữa sáng. Nếu phải đi làm sớm, bạn vẫn cần thu xếp cách nào đó để ăn sáng đầy đủ, đúng giờ. Ngoài ra, các món ăn vặt như bánh mì bơ, sữa chua, sữa hộp, một ít bánh ngọt, các loại hạt… cũng cần được chuẩn bị để giúp bạn “măm” lúc giữa giờ.

Nếu công ty bạn có những quy định như không cho phép nhân viên ăn nơi bàn làm việc, bạn có thể trao đổi thêm để có những chế độ “du di” cần thiết, nhằm đảm bảo sức khỏe cho mình.

Bữa trưa, tốt hơn hết bạn nên chuẩn bị thức ăn mang theo. Có thể hơi bất tiện và mất thời gian, nhưng nó tránh cho bạn phải đi lại giữa trời nắng nóng để ăn, hoặc phải ăn những bữa cơm hàng quán mà bạn không tự tin về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong thức ăn mang theo, nên chuẩn bị cả một ít trái cây nữa nhé, vì chất xơ và các vitamin trong trái cây rất cần cho bạn lúc này.

4. Tạo cơ hội cho mình đi lại

Đi ra vào phòng vệ sinh, đi sang bàn của đồng nghiệp trao đổi thay vì ngồi yên một chỗ và… gọi điện, đi tới đi lui ngoài ban công một chút lúc trời về chiều mát mẻ, đó là những cách cơ bản để bạn vận động. Đi lại giúp mạch máu lưu thông, đôi chân bạn sẽ giảm bớt tình trạng chuột rút, tê chân, phù nề.

Bạn cũng lưu ý là khi biết mình mang thai, đôi giày cao gót công sở quen thuộc cần thay bằng đôi giày đế bẹt, càng thấp càng tốt. Ngoài ra, nên chuẩn bị cho mình một đôi dép lê để dễ dàng đi tới đi lui trong phòng, giúp đôi chân bạn thoải mái hơn.

5. Bổ sung sữa và nước trái cây

Nên có một hộp sữa bầu để bạn tự pha cho mình một ly vào bữa xế. Trường hợp thấy quá bất tiện, bạn có thể thay bằng những hộp sữa nước giấy tiện dụng. Bạn cũng nên thử tìm xem có thể mua một ly nước cam vắt hoặc các loại quả ép hợp vệ sinh ở canteen không? Ngoài nước trái cây và sữa, nhớ cả lượng nước mỗi ngày nữa nhé.

Bạn cần uống hết tối thiểu một bình nước 1,5 lít cho mỗi ngày nơi công sở. Tuy nhiên, nước ngọt có ga, rượu bia từ những buổi liên hoan, tiệc tùng với đối tác, khách hàng lại là thứ cần phải tránh.

6. Nghỉ phép khi thấy mệt

Đừng cố gắng quá sức. Bất cứ lúc nào thấy mình hơi mệt, bị ra máu hoặc có dấu hiệu bất thường, bạn nên xin nghỉ phép vài ngày ngay cho đến khi sức khỏe ổn định hơn. Nếu có một lúc nào đó bạn nôn nhiều, thấy lả người, đừng ngại xin phép cấp trên để tìm chỗ ngả lưng chừng nửa tiếng.

Ngoài ra, nên tìm cách tự mình “thư giãn” bằng việc chuyện trò vui vẻ cùng đồng nghiệp, sử dụng tai nghe để nghe vài bản nhạc hòa tấu lúc nghỉ trưa, nhắm mắt hít thở sâu khi bạn cảm thấy hơi stress vì những phàn nàn của khách hàng…

Một lưu ý với bạn là tất cả quần áo, trang phục bạn mặc nơi công sở phải đáp ứng được sự thoải mái, nhẹ nhàng nhất cho bạn khi đứng lên ngồi xuống, đi lại, nằm nghỉ nhé.

Tags:

Bài viết liên quan