Khi nuôi dạy con, hầu hết chúng ta đều mắc sai lầm vì chỉ tập trung vào thể trạng của trẻ. Bên cạnh đó, các ông bố, bà mẹ thường nghĩ rằng, trẻ nhỏ thì làm gì có những suy nghĩ như người lớn mà phải quan tâm đến tâm lý của trẻ. Trên thực tế ở mỗi độ tuổi khác nhau, trẻ đều có những diễn biến tâm lý khác nhau. Hôm nay, Mẹ&Con sẽ mách bạn một số thông tin cơ bản nhất về tâm lý trẻ 2 tuổi ngay trong bài viết dưới đây. Cùng tìm hiểu nhé!
Những đặc điểm về tâm lý trẻ 2 tuổi
Sau 2 năm đầu, trẻ bắt đầu biết nói, có thể sử dụng lời nói dù bập bẹ để biểu thị cảm xúc, suy nghĩ của mình. Trong giai đoạn này, bạn sẽ nhận thấy một số thay đổi trong hành vi của bé xuất phát từ chính tâm lý của con. Cụ thể:
Trẻ thường bướng bỉnh hơn
Khi nhắc đến tâm lý trẻ 2 tuổi, nhiều bố mẹ thường lắc đầu ngao ngán bởi trong giai đoạn này, trẻ thường tỏ ra bướng bỉnh, không vâng lời bố mẹ. Trẻ cũng bắt đầu nói “không” nhiều hơn với những yêu cầu mà bố mẹ đưa ra với mình. 2 tuổi là giai đoạn tâm lý của trẻ bắt đầu phát triển mạnh mẽ, có nhiều suy nghĩ, xúc cảm hơn. Do đó, những hành động như khóc lóc, ăn vạ của trẻ cũng là phản ứng vô cùng bình thường. Bố mẹ đừng vội tức giận với con nhé!
Trẻ dễ cáu gắt, giận dỗi
Khi trẻ lên 2, trẻ bắt đầu có những mong muốn cá nhân của mình và sử dụng lời nói để diễn tả những mong muốn đó đối với bố mẹ. Tuy nhiên, vì vẫn còn trong giai đoạn tập nói nên trẻ thường không thể biểu đạt tròn vành rõ chữ ý muốn của mình, khiến bố mẹ và những người lớn xung quanh không hiểu được điều mà trẻ muốn nói. Khi bố mẹ hiểu sai và làm sai ý của mình, trẻ sẽ bắt đầu giận dỗi, thậm chí là hét lên để thu hút sự chú ý của bố mẹ.
Trẻ muốn khám phá thế giới xung quanh nhiều hơn
Trong những năm đầu đời, các tế bào thần kinh của trẻ thường phát triển từ 100 tỷ tế bào lúc vừa sinh ra thành hàng ngàn tỷ tế bào. Hơn nữa, cấu trúc chức năng não bộ của trẻ lên 2 cũng hoàn thiện đến 80% so với người trưởng thành. Đây chính là lý do mà tâm lý trẻ 2 tuổi luôn tò mò, muốn khám phá mọi thứ xung quanh mình và có thái độ muốn học hỏi, bắt chước người lớn.
Ở giai đoạn này, con bắt đầu đặt ra những câu hỏi về mọi thứ mà con quan tâm. Bố mẹ đừng vội thấy phiền mà hãy nhẹ nhàng giải thích, hướng dẫn cho con. Hơn nữa, bố mẹ cũng nên chú ý hành động của mình vì đây là khoảng thời gian mà con đặt sự quan sát của mình lên mọi người xung quanh và bắt chước làm theo mọi hành động. 2 tuổi, trẻ thường thích khám phá nên bố mẹ cũng cần đảm bảo sự an toàn cho con bằng cách cất kỹ các vật dụng nguy hiểm trong nhà, lắp hộp để che phần ổ điện lại, không để dao, kéo hay các vật bén nhọn trong tầm tay trẻ…
Trẻ có nhu cầu được “tự lập”
Nếu bạn muốn áp dụng những cách dạy con tự lập thì 2 tuổi chính là cột mốc quan trọng mà bạn có thể bắt đầu làm điều này. Nửa năm đầu tiên là thời điểm trẻ phát triển các kĩ năng vận động, trong khi nửa năm cuối trẻ bắt đầu phát triển vượt trội về mặt trí não. Do đó, trẻ có thể sẽ muốn được tự chọn quần áo, giày dép, tự mặc đồ, tự ăn uống… Bố mẹ đừng giúp bé làm mà hãy thuận theo tâm lý trẻ 2 tuổi lúc này để hướng dẫn con cách để con tự làm một mình, bạn nhé!
Trẻ có nhu cầu thể hiện bản thân
Khi trẻ bước sang cột mốc 2 tuổi, bạn sẽ thấy trẻ yêu cầu được phụ giúp bố mẹ làm việc nhà. Đây là tâm lý trẻ muốn thể hiện bản thân của mình với những người xung quanh. Đừng vội từ chối và cho rằng con còn quá nhỏ thì không thể giúp gì được cho bố mẹ. Hãy lựa chọn những việc nhẹ nhàng mà trẻ có thể làm được rồi hướng dẫn cách làm cho con.
Trẻ đã có chính kiến
Một diễn biến tâm lý trẻ 2 tuổi khác mà bố mẹ cần chú ý chính là con đã bắt đầu có chính kiến của riêng mình. Đôi khi, con sẽ “phản kháng” với những quyết định của bố mẹ và có xu hướng đòi quyền tự quyết định. Ví dụ, khi con ngồi ăn cơm cùng cả gia đình, con không ăn các món bạn đã chuẩn bị sẵn mà với tay lấy các món khác trên bàn.
Yêu thương và quan tâm đến mọi người
2 tuổi là khoảng thời gian con bắt đầu học cách tạo ra các kết nối giữa cảm xúc và hành vi khi giao tiếp với người khác. Lúc này, con cũng trở nên nhạy cảm hơn, có thể nhận biết được cảm xúc của những người xung quanh và đặt ra câu hỏi như “Mẹ đang buồn à?” hay “Bố có mệt không?”.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng không phải trẻ nào lên 2 cũng có được khả năng quan tâm như thế này. Chỉ khi người lớn, đặc biệt là người thân bên cạnh trẻ thường xuyên thể hiện cảm xúc quan tâm, yêu thương với trẻ thì con mới có thể “học tập” và bắt đầu quan sát người lớn, quan tâm đến mọi người.
Từ nay, bạn đừng cho rằng chăm trẻ 2 tuổi thì chỉ cần cho trẻ ăn uống khỏe mạnh là được nữa nhé. Thay vào đó, hãy chú ý đến tâm lý trẻ 2 tuổi để có thể nuôi dạy con đúng cách.