Mẹ và Con - Đã bao giờ bạn cảm thấy bế tắc trong cuộc sống hôn nhân của mình và có được lời khuyên từ những người xung quanh? Lúc đó, hãy nhớ rằng, đôi lúc những lời khuyên đúng trong tình yêu lại có thể khiến cho hôn nhân đổ vỡ đấy nhé.

Tình yêu và hôn nhân là hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Tuy hôn nhân được xây dựng từ nền tảng tình yêu nhưng không phải mọi lời khuyên áp dụng được cho tình yêu cũng có thể áp dụng cho hôn nhân. Sau khi kết hôn, bạn cần thận trọng hơn khi nhận được những lời khuyên từ người khác để tránh hôn nhân đổ vỡ bạn nhé.

5 lời khuyên về tình yêu có thể khiến… hôn nhân đổ vỡ

Phải tỏ ra thật kiêu kỳ

Với phái nữ, chắc chắn bạn đã ít nhất một lần trong đời nhận được lời khuyên rằng “hãy kiêu kỳ lên, lạnh lùng hơn nữa” khi ai đó theo đuổi bạn. Khi yêu, một chút kiêu kỳ từ bạn có thể khiến chàng cảm thấy thích thú vì có cảm giác được chinh phục.

Tuy nhiên, nếu bạn cứ tiếp tục giữ sự kiêu kỳ của mình và chẳng bao giờ nhượng bộ đối phương dù cho đã kết hôn thì đây có thể trở thành con dao hai lưỡi khiến hôn nhân đổ vỡ. Sẽ chẳng có ai chạy theo mỗi người mãi mãi. Do đó, thỉnh thoảng cũng hãy nhường nhịn đối phương, quan tâm đối phương bạn nhé.

hôn nhân đổ vỡ

Hãy giữ im lặng khi xảy ra mâu thuẫn

Nhiều người thường chọn cách im lặng khi có mâu thuẫn với đối phương vì cho rằng việc tranh cãi sẽ khiến cả hai mệt mỏi, tình cảm rạn nứt và khiến cho hôn nhân đổ vỡ. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn nghĩ đến chiều hướng ngược lại?

Việc im lặng, trốn tránh và không giải quyết vấn đề cũng giống như bạn đổ nước vào bình vậy. Mỗi ngày bạn đổ một ít nước, rồi sẽ đến lúc nước đầy bình và tràn ra ngoài. Mỗi ngày, những vấn đề chưa được giải quyết giữa hai bạn cũng sẽ tích tụ và đến một lúc nào đó, cả hai sẽ “bùng nổ” và dẫn đến những cuộc tranh cãi lớn hơn, khó cứu vãn hơn.

Lúc còn yêu nhau, chúng ta có thể chọn cách im lặng để nhường nhịn đối phương. Hơn nữa, vì chưa chung sống cùng nhau nên khi xảy ra mâu thuẫn, bạn và người ấy có thể không nhìn mặt nhau và không cảm thấy khó chịu vì việc này. Thế nhưng, sau khi kết hôn nhưng vẫn “chiến tranh lạnh”, hằng ngày nhìn mặt nhau nhưng không giao tiếp sẽ rất dễ khiến tình cảm rạn nứt, hôn nhân đổ vỡ.

nguyên nhân hôn nhân đổ vỡ

Hơn nữa, việc không nhìn nhận và giải quyết xung đột sẽ khiến bạn không thể rút ra được những bài học cho hôn nhân của mình. Về sau, bạn và đối phương hoàn toàn có thể có nguy cơ lặp lại những sai lầm này và  khiến hôn nhân của bạn đi vào ngõ cụt.

Các chuyên gia trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình cho biết, thay vì im lặng, hãy tranh cãi một cách tỉnh táo. Để tránh hôn nhân đổ vỡ chỉ vì những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, tuyệt đối không nên nặng lời hay sử dụng bạo lực trong khi đang cùng người ấy đưa ra hướng giải quyết cho vấn đề. Nếu cảm thấy một trong hai hoặc cả hai đang mất bình tĩnh, bạn có thể tạm ngưng cuộc trao đổi ở đây để cả hai cân bằng lại cảm xúc của mình. Và hãy nhớ hẹn người ấy giải quyết tiếp vấn đề vào ngày tiếp theo thay vì để mọi thứ rơi vào im lặng bạn nhé.

Cứ kiên nhẫn, rồi đối phương sẽ thay đổi

Khi bạn chẳng may lấy phải một người chồng gia trưởng, một người thích bạo hành gia đình hay một cô vợ nhác việc nhà, chỉ chăm lo cho bản thân, sẽ có người nói với bạn rằng, rồi đối phương sẽ thay đổi, chỉ cần bạn đủ kiên nhẫn và bao dung với họ.

Điều này có thể đúng trong tình yêu nhưng cũng có thể khiến hôn nhân đổ vỡ. Khi chưa kết hôn, chưa hoàn toàn có được bạn, họ sẽ cố gắng để thể hiện những điều tốt nhất của họ đối với bạn. Họ có thể cố gắng thay đổi những tính xấu của mình hoặc tạm thời “giấu” đi những tính xấu này. Tuy nhiên, kết hôn lại là một chuyện khác. Nếu bạn cứ liên tục nhẫn nhịn, kết quả mà bạn nhận được chính là hôn nhân tan vỡ chứ không phải là sự thay đổi theo chiều hướng tích cực từ đối phương như bạn từng mong đợi.

Để lý giải điều này, các chuyên gia cho rằng, nhiều người có tâm lý rằng kết hôn là một cách để đảm bảo an toàn trong tình yêu, để chắc chắn rằng đối phương sẽ không rời xa họ. Vì thế, lúc đã kết hôn rồi, cho dù họ có bao nhiêu tính xấu đi chăng nữa thì bạn cũng phải chấp nhận mà thôi. Họ sẽ không thay đổi bản thân mà buộc bạn phải chấp nhận họ.

Lúc này, sự kiên nhẫn của bạn sẽ dần chuyển thành nhượng bộ, chấp nhận “sống chung với lũ” và đến một ngày, bạn sẽ tức nước vỡ bờ, không còn có thể chịu đựng được và cân nhắc đến việc ly hôn khiến cho hôn nhân đổ vỡ, khó cứu vãn.

cãi nhau

Dùng tình dục để níu chân đối phương

Khi tình cảm rạn nứt và có nguy cơ làm cho hôn nhân đổ vỡ, nhiều người trong chúng ta đã chọn cách dùng tình dục để níu chân đối phương. Tuy nhiên, chưa chắc người bạn đời của bạn đã thích điều này. Lúc đó, họ sẽ cảm thấy bạn thật cạn nghĩ, không quan tâm đến cảm xúc của họ và muốn rời đi sớm hơn.

Hoặc, họ có thể có hứng thú trong việc quan hệ vợ chồng với bạn. Lúc này, việc họ ở lại bên bạn chỉ là để thỏa mãn những nhu cầu sinh lý của họ và nếu họ tìm được một người khác có thể đáp ứng được, họ cũng sẽ rời bỏ bạn mà đi.

Hãy làm cho người kia ghen

Khi yêu, việc thỉnh thoảng ghen tuông như gia vị để tình cảm giữa hai bạn thêm mặn nồng. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng việc tỏ ra thân thiết với người khác giới để mong bạn đời của mình ghen tuông và sợ mất mình không phải là một “chiến lược” hay hôn nhân và còn có thể khiến hôn nhân đổ vỡ.

Khi bạn làm vậy, đối phương sẽ chỉ thấy bạn là một người không an toàn, thiếu sự chung thủy và có thể rời bỏ họ bất cứ lúc nào. Lúc này, họ có thể sẽ chủ động tìm đến người thứ 3 và rời bỏ bạn trước hoặc sống trong lo sợ, thường xuyên nghi ngờ bạn và khiến cho cả hai mệt mỏi.

người thứ 3

Cần làm gì để tránh hôn nhân đi vào ngõ cụt?

Để có thể giữ cho hôn nhân hạnh phúc bền vững, hãy nhớ rằng:

  • Đừng bao giờ lấy một thứ gì để níu chân đối phương: Khi họ đã muốn rời đi, dù là con cái hay tình dục hay tiền bạc cũng không thể giữ chân họ. Hoặc chăng chỉ là ở lại vì hấp dẫn tạm thời, đến khi chán hoặc tìm được người khác đáp ứng họ cũng sẽ rời đi mà thôi.
  • Đặt ra cho mình những giới hạn: Bạn có thể là một người giỏi chịu đựng, muốn im lặng để yên nhà yên cửa và không ảnh hưởng đến con cái, gia đình hai bên. Nhưng hãy nhớ rằng, bạn càng nhẫn nhịn thì đối phương sẽ càng lấn lướt và kết quả cuối cùng vẫn là hôn nhân đổ vỡ. Do đó, hãy đặt ra một giới hạn. Nếu đối phương vượt quá giới hạn này, bạn có thể chọn cách phản kháng thay vì lại tiếp tục im lặng trong ấm ức.
  • Ly hôn không phải là điều tồi tệ nhất: Chúng ta thường sợ ly hôn bởi cho rằng điều này đánh dấu cho hôn nhân đổ vỡ và bắt đầu chuỗi bi kịch phía sau. Tuy nhiên, việc ở bên cạnh một người không còn tình cảm với bạn hoặc đối xử tệ với bạn mới là điều tồi tệ hơn cả. Và đôi khi, việc ly hôn sẽ cho bạn và người ấy cơ hội nhìn lại tình yêu và hôn nhân của mình. Nếu còn yêu, cả hai sẽ quay về bên nhau và còn học được cách để cải thiện mối quan hệ từ chính những sai lầm trong quá khứ.

Hôn nhân đổ vỡ, chuyện chẳng ai muốn! Vì thế, đôi khi hãy tỉnh táo trong chính cuộc sống hôn nhân của mình, đặc biệt là khi nhận lời khuyên từ người khác bởi không phải lúc nào những lời khuyên này cũng đúng đâu nhé!

Bài viết liên quan